Khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama có một nhóm cố vấn giàu kinh nghiệm về Trung Quốc. Còn lúc này, chính quyền của ông lại chẳng còn ai như vậy.
TIN BÀI KHÁC
Ba năm sau khi ông Obama tuyên bố chuyển trọng tâm sang châu Á để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các cố vấn đằng sau chính sách này đều đã ra đi.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Ảnh: SCMP |
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay, thay vì Timothy Geithner – cựu Bộ trưởng Tài chính từng học tiếng Trung Quốc phổ thông khi còn ngồi ghế trường đại học tại Bắc Kinh và được ‘ông trùm’ chống tham nhũng Wang Qishan coi là bạn thân, ông Obama lại chọn chuyên gia về ngân sách là Jack Lew điều hành bộ này.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xoay trục sang châu Á, còn người kế nhiệm của bà là John Kerry giờ lại tập trung vào vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Và Đại sứ Mỹ đương nhiệm tại Trung Quốc Max Baucus nói rằng, ông ‘không phải là chuyên gia về Trung Quốc’.
Hệ quả là, các nhà hoạch định chính sách trước đó ở cả hai đảng nói rằng, Mỹ đang phải phản ứng lại trước tình hình, thay vì định hình xu hướng trước một Trung Quốc ngày càng cương quyết.
“Chính quyền từng tập trung nhiều vào người Trung Quốc trong những năm đầu, giờ đây chúng ta dường như đã hoàn toàn mất họ”, theo Jon Huntsman, người rất thành thạo tiếng Trung Quốc, từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ 2009 - 2011.
Với ông Obama – hiện đang có chuyến công du tới Bắc Kinh để tham dự Hội nghị APEC, đây là một khoảng thời gian không tốt đẹp gì khi đội ngũ chuyên gia về Trung Quốc quá thiếu.
Chủ tịch Tập Cận Bình – vị lãnh đạo được cho là quyền lực nhất Trung Quốc trong một phần tư thế kỷ, đang thay đổi cách hành xử của Trung Quốc trong và ngoài nước, cùng với một tầm ảnh hưởng khó đoán đối với Mỹ.
Cựu Đại sứ Mỹ Chas Freeman nói rằng, Washington đã không phản ứng một cách thích đáng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông Freeman từng là phiên dịch của Tổng thống Richard Nixon trong chuyến công du lịch sử tới Trung Quốc năm 1972.
“Chúng ta không xử lý một cách thích đáng với các hậu quả từ việc Trung Quốc đang dần soán ngôi chúng ta tại tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu” – ông Freeman nói.
Còn tại Nhà Trắng, các thách thức còn nổi cộm hơn với lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), và cuộc khủng hoảng Ukraina. Tâm điểm kinh tế của chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á là thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương đang trì trệ suốt gần một năm qua.
Khi nhậm chức năm 2009, ông Obama vẫn tiếp tục cuộc gặp song phương hàng năm do chính quyền Bush khởi xướng, để nhấn mạnh vào mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông thậm chí còn có nhiều thời gian làm việc với các lãnh đạo Trung Quốc – ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào – hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trong suốt 35 năm qua, kể từ khi quan hệ ngoại giao đôi bên được thiết lập.
Ngoại trưởng John Kerry, người vừa tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tại nhà riêng ở Boston, đã có 9 chuyến công du tới châu Á trong vòng 21 tháng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia về Trung Quốc của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, Nhà Trắng vẫn thiếu một gương mặt cấp cao mà Trung Quốc coi là cầu nối trực tiếp tới tổng thống trong các vấn đề hệ trọng.
Lê Thu