Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ hôm 9/12 (giờ Mỹ) đã công bố thông tin về chương trình bắt giữ và điều tra khủng bố do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành dưới thời Tổng thống George W. Bush kể từ sau sự kiện 11/9/2001.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Hình ảnh chụp từ vệ tinh một nhà tù bí mật là IKONOS giam giữ tù nhân trong chương trình của CIA. Ảnh: NYTimes |
Theo báo New York Times, báo cáo đã công khai các biện pháp tra tấn và hỏi cung gây tranh cãi, vì tính dã man của CIA suốt hơn 10 năm qua đối với các nghi phạm khủng bố.
Nghị sĩ Dianne Freistein – Chủ tịch Ủy ban Tình báo của đảng Dân chủ - nói rằng cần phải đánh giá lại những gì vượt quá cuộc chiến chống khủng bố, vì các quan chức CIA thường xuyên khiến Nhà Trắng và Quốc hội hiểu sai thông tin mà họ nắm được, và không thể đưa ra biện pháp giám sát cơ bản với các nhà tù bí mật mà họ lập trên khắp thế giới.
Bản báo cáo chi tiết thấu đáo đã chỉ ra các biện pháp rùng rợn trong các kỹ thuật tra khảo dã man, mà CIA dùng để tra tấn và thẩm vấn nghi phạm khủng bố.
CIA hay khai man và giảm số lượng người mà họ bắt giữ, tra tấn tàn bạo trong chương trình này. |
Business Insider cho biết CIA thậm chí đã trả 2 nhà tâm lý học 80 triệu USD để đưa ra và phát triển các biện pháp tra tấn trên người.
Chính giới Mỹ đã lên tiếng chỉ trích nặng nề bản báo cáo này, thậm chí ngay cả các quan chức CIA đương nhiệm và đã nghỉ hưu cũng không thể không phản đối.
Tổng thống Barack Obama nói rằng, các kỹ thuật mà CIA sử dụng đã ‘tra tấn tâm trí ông’ và là sự phản bội lại các giá trị của nước Mỹ.
Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông là George W. Bush cho rằng, chương trình bắt giữ và thẩm vấn này là nhân đạo và hợp pháp. Ông Bush bảo vệ rằng thông tin tình báo thu được trong quá trình giam giữ là phương tiện để ngăn cản các âm mưu khủng bố, và bắt giữ các nhân vật then chốt của Al-Qaeda.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những kỹ thuật tra khảo tàn bạo này không mang lại các thông tin tình báo quý giá nào, thậm chí là phản tác dụng.
“Vết nhơ giá trị”
Trong bài phát biểu trước Thượng viện, không lâu sau khi bản báo cáo được công bố, bà Feinstein đã gọi chương trình này của CIA là ‘vết nhơ trong giá trị và lịch sử’ của Mỹ.
"Lịch sử sẽ phán xét chúng ta từ những cam kết đối với một xã hội công bằng thực thi bởi pháp luật, và sự sẵn sàng phải đối mặt với sự thật xấu xí và nói sẽ không bao giờ có chuyện này nữa", bà Feintstein bảo vệ việc công bố báo cáo này của CIA trước công luận.
Biểu đồ thể hiện 119 người bị giam giữ từ năm 2002-2008. Cột màu cam là những người đã bị thẩm vấn dã man. Ảnh: NYTimes |
Phản ứng trước báo cáo, Giám đốc hiện thời của CIA là ông Brennan nói rằng, chương trình thẩm vấn này "còn nhiều thiếu sót".
Trong khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích Ủy ban Tình báo và bà chủ tịch là Dianne Feintsein (của đảng Dân chủ), một nghị sĩ của đảng Cộng hòa lại lên tiếng đề cao việc công bố bản báo cáo tranh cãi này. Đó là nghị sĩ John McCain.
Ông McCain nói rằng: “Sự thật đôi khi như viên thuốc khó nuốt. Nhiều lúc nó khiến chúng ta khó xử ở trong nước và quốc tế. Đôi khi các kẻ thù sẽ lấy điều đó để làm tổn hại chúng ta. Nhưng, người dân Mỹ có quyền đó”.
Là một cựu binh từng trải, ông McCain nhận định, việc tra tấn bằng nước là ‘một dạng tra tấn tinh vi’ và ‘đáng xấu hổ’ và rằng, các kỹ thuật của CIA ‘là vết nhơ đối với danh dự của đất nước, có hại nhiều hơn là có lợi’.
Bảy điểm chính trong báo cáo của CIA 1. Các kỹ thuật thẩm vấn của CIA tàn bạo hơn và áp dụng ở rất nhiều nơi hơn là mức mà cơ quan này mô tả lại. 2. Chương trình thẩm vấn này đã không được quản lý và không được giám sát thích đáng. 3. CIA đã khiến các thành viên Quốc hội và Nhà Trắng hiểu sai về hiệu quả cũng như mức độ của các kỹ thuật thẩm vấn dã man. 4. Các điều tra viên tại hiện trường đã cố gắng ngăn các kỹ thuật tàn bạo thường xuyên bị các quan chức cấp cao của CIA gạt bỏ. 5. CIA hay khai man và giảm số lượng người mà họ bắt giữ, tra tấn tàn bạo trong chương trình này. 6. Ít nhất 26 nghi phạm bắt giam bị oan sai và không hề theo đúng tiêu chuẩn bắt giữ của chính quyền. 7. CIA đã làm rò rỉ thông tin mật cho các nhà báo, thổi phồng mức độ thành công của các biện pháp thẩm vấn nhằm giành sự ủng hộ của công chúng. |
Lê Thu