Bạo lực học đường đang là một vấn nạn tại nhiều quốc gia bởi nó có thể gây ra những nỗi đau cho học sinh và huỷ hoại văn hoá trường học.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}

Bạo lực học đường có thể gây ra những ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ đối với trẻ

Việc phòng chống bạo lực học đường phải được thực hiện dựa trên nỗ lực từ rất nhiều phía, như nhà trường, gia đình và các em học sinh, gồm cả những em thực hiện hành vi, nạn nhân hay người chứng kiến bạo lực tại trường học.

Để hạn chế những hậu quả có thể xảy ra do vấn đề này, nhiều biện pháp đã được các quốc gia có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới áp dụng.

Quy định thành luật

Việc ban hành luật đối với trường học đã được nhiều quốc gia thực hiện, nhằm nâng cao vai trò của trường học trong việc hạn chế tình trạng bạo lực học đường xảy ra.

Tại Canada, các trường học được yêu cầu phải có kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, bao gồm các chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho khối cộng đồng trong trường học, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên về bạo lực học đường, đồng thời có các biện pháp nhằm ngăn chặn và can thiệp khi vấn đề này xảy ra.

Tại Mỹ, theo phân tích của bộ giáo dục nước này, hầu hết các bang đã đề xuất yêu cầu để phát triển các chính sách nhằm ngăn chặn và can thiệp tình trạng bạo lực nơi trường học. Hơn 10 bang cho phép các trường giải quyết việc bắt nạt xảy ra ngoài trường học miễn là nó ảnh hưởng tới học sinh trong trường.

Mỗi bang đều có chính sách riêng để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, song mục tiêu chính vẫn là các biện pháp ngăn chặn và can thiệp. Ngoài ra có 36 bang đã có các biện pháp để đối phó với tình trạng bắt nạt trên mạng.

Tại Anh, theo Luật Giáo dục và Thanh tra, các trường phải có biện pháp kỷ luật đối với các học sinh có hành vi bắt nạt bạn học. Những biện pháp này phải đảm bảo tính công bằng, hợp lý và nhất quán. Cha mẹ và học sinh cũng được khuyến khích cùng trường học tham gia vào quá trình dạy dỗ về bạo lực học đường.

Tại Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, học sinh có hành vi bắt nạt bạn sẽ bị đình chỉ học 3 ngày để thực hiện các hoạt động công ích cho trường và đến gặp bác sĩ tâm lý của trường để ngăn chặn việc bắt nạt bạn học sẽ xảy ra trong tương lai.

{keywords}

Học võ, kỹ năng sống

Các lớp học võ thuật là một biện pháp được nhiều phụ huynh Mỹ áp dụng nhằm giúp các con mình đối phó với việc bị bắt nạt tại trường học.

Việc học võ sẽ giúp rèn luyện cho trẻ cả về thể lực, tinh thần cũng như tính kỷ luật. Từ đó,  nâng cao sự tự tin, khả năng lãnh đạo, giải toả áp lực cũng như nâng cao khả năng tự vệ và tự kiểm soát đối với bản thân của trẻ.

Đưa trẻ đến các lớp học võ là một biện pháp được các bậc phụ huynh sử dụng để giúp trẻ đối phó với việc bị bắt nạt tại trường học (Ảnh: Google)

Ngoài học võ, phụ huynh cũng được khuyến khích cho trẻ tham gia vào các lớp học kỹ năng sống. Đây cũng là biện pháp giúp trẻ trở nên tự tin vào bản thân, đưa ra những lựa chọn tích cực và thể hiện được tiếng nói của mình.

Chương trình KiVa

90% các trường học tại Phần Lan đều áp dụng một chương trình phòng chống bạo lực học đường mang tên KiVa. KiVa được xem là một trong các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường thành công nhất trên thế giới, dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề bạo lực tại trường học và cơ chế của nó.

Ngoài việc sử dụng các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của gia đình và nhà trường, KiVa đặc biệt tập trung đến vai trò của những đứa trẻ là người đứng ngoài chứng kiến những vụ bạo lực tại trường học; giúp các em nâng cao sự đồng cảm và giúp đỡ các bạn là nạn nhân của các vụ bạo lực học đường.

Ngoài Phần Lan, KiVa hiện được áp dụng tại một số trường học tại Bỉ, Estonia, Hà Lan, New Zealand và Anh. Chương trình này cũng đang trong quá trình xét duyệt để áp dụng tại Hy Lạp, Italia, Nam Phi, Thuỵ Điển và Mỹ.

Những lớp học kĩ năng sống cho trẻ do KiVa tổ chức (Ảnh: KiVa)

Tại Việt Nam, vấn đề bạo lực học đường đang ngày càng được quan tâm và cần được giải quyết hơn bao giờ hết bởi tần suất và mức độ của các vụ bạo lực trong trường học ngày càng có dấu hiệu tăng cao.

Điều quan trọng là việc giải quyết và ngăn chặn không chỉ thuộc về trách nhiệm của Bộ Giáo dục, mà cần có sự phối hợp can thiệp giữa gia đình, giáo viên và ban giám hiệu nhà trường.  

Hương Ly