Ngay sau khi rời bỏ Muammar Gaddafi, 8 quan chức quân sự cấp cao Libya đã kêu gọi các binh sĩ nước này hãy cùng với họ ủng hộ quân nổi dậy. Một trong 8 người còn cáo buộc lực lượng trung thành với ông Gaddafi phạm tội "diệt chủng".



Tướng Oun Ali Oun trò chuyện tại cuộc họp báo ở Rome. (Ảnh: Reuters)


Cả tám người, gồm 5 tướng, đã cùng xuất hiện tại một cuộc họp báo ở Rome. Nói chuyện với các phóng viên, một tướng tên là Oun Ali Oun, đã lên tiêng kêu gọi binh lính và giới chức an ninh Libya hãy từ bỏ chế độ "vì những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ tự do". 

Ông cũng tố cáo nạn "diệt chủng" và "bạo lực nhằm vào phụ nữ ở nhiều thành phố Libya".

Một vị tướng khác, Melud Massoud Halasa, nói với các phóng viên rằng chỉ 20% lực lượng của ông Gaddafi hoạt động hiệu quả khi đối diện với quân nổi dậy và "chưa đến 10 tướng" còn trung thành với nhà lãnh đạo này. 

Cựu Ngoại trưởng Libya Abdel Rahman Shalgam, người hiện đã quay sang ủng hộ quân nổi dậy, cũng xuất hiện tại cuộc họp báo và cho biết, tổng cộng 120 binh sĩ đã đào tẩu trong vài ngày gần đây. 

Kể từ khi làn sóng nổi dậy ở Libya nổ ra hồi tháng 2, hàng chục sĩ quan quân đội, bộ trưởng chính phủ và các quan chức ngoại giao đã từ bỏ ông Gaddafi.


Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã có các cuộc hội đàm với đại tá Gaddafi ở thủ đô Tripoli trong một nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Theo văn phòng của ông Zuma, các cuộc hội đàm đề cập đến một lệnh ngừng bắn lập tức, phân phát viện trợ nhân đạo và thực thi những thay đổi cần thiết để chấm dứt khủng hoảng. 

Văn phòng này cũng phủ nhận các thông tin "sai lạc" rằng các cuộc hội đàm tập trung vào việc nhất trí một chiến lược ra đi cho đại tá Gaddafi.

Sau cuộc gặp ở dinh thự Gaddafi, Tổng thống Zuma nói nhà lãnh đạo Libya sẵn sàng chấp nhận một sáng kiến của Liên minh châu Phi (AU) cho một lệnh ngưng bắn. Tuy nhiên, lộ trình của (AU), vốn được vạch ra hồi tháng 2, đã bị cả Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Libya của phe nổi dậy và NATO phản đối, bởi vì kế hoạch này không yêu cầu đại tá Gaddafi ra đi.

NATO đã áp đặt một vùng cấm bay ở Libya và bắt đầu oanh tạc các mục tiêu của Gaddafi từ tháng 3 với mục tiêu bảo vệ dân thường.

Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)