Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi nhà lãnh đạo Libya Mummar Gaddafi hãy ra đi vì "mọi lựa chọn đều đang được để ngỏ".



Ông Nicolas Sarkozy phát biểu trong cuộc họp báo ở hội nghị G8 tại Deauville hôm 26/5. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi không nói Gaddafi cần đi lưu vong. Ông ấy phải từ bỏ quyền lực và càng làm nhanh, lựa chọn của ông ấy càng lớn", ông Sarkozy nói với các phóng viên.

Tổng thống Sarkozy hiện đang chủ trì hội nghị của các nhà lãnh đạo nhóm nước giàu G8 ở Deauville, miền bắc nước Pháp. Làn sóng biểu tình của người Ảrập, kiểm soát Internet cùng tương lai của điện hạt nhân là những chủ đề được bàn thảo tại hội nghị 2 ngày này. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng được đề cập tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada.

Hàng nghìn cảnh sát được triển khai trong kế hoạch an ninh lớn để đảm bảo an ninh cho hội nghị, với các chốt kiểm tra được dựng lên trên mọi ngả đường dẫn tới Deauville. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron đã phê chuẩn việc cho phép máy bay tấn công Apache tham gia chiến dịch Libya. Có tin đồn ông làm như vậy sau khi Pháp tuyên bố sẽ triển khai các chiến đấu cơ Tiger. 

Ông Sarkozy biện hộ cho hành động quân sự của NATO nhằm vào Libya khi nói chuyện với các phóng viên tối qua, nói rằng "nếu chúng tôi không can thiệp thì Benghazi (thành trì của quân nổi dậy) sẽ bị xóa khỏi bản đồ".

Cùng thời điểm đó ở Tripoli, nhiều tiếng nổ lớn vang lên và từ xa người ta có thể nhìn thấy khói đen cuộn bốc lên bầu trời từ khu dinh thự Bab al-Aziziyah của nhà lãnh đạo Lybia. Đài Truyền hình Al-Arabiya đưa tin dinh thự nói trên đã bị NATO nhắm tới.  

Theo một diễn biến khác, hôm 26/5, Tây Ban Nha thông báo đã nhận được đề nghị ngừng bắn lập tức từ Thủ tướng Libya Al-Baghdadi al-Mahmoudi. Báo chí đưa tin, ông al-Mahmoudi cũng viết thư cho một số chính phủ nước ngoài đưa ra ý kiến này dưới sự giám sát của Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi (AU). Không chỉ có thế, al-Mahmoudi còn đề xuất đàm phán vô điều kiện với phe đối lập, ân xá cho cả hai bên trong cuộc xung đột hiện nay và soạn thảo một bản hiến pháp mới.

Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)