Hãng sản xuất tên lửa Almaz-Antei của Nga vừa cho hay, chính loại tên lửa BUK đã bắn máy bay Malaysia MH17 vào ngày 17/7/2014 tại đông Ukraina.


Tuy nhiên, hãng cho biết thêm là loại tên lửa đời cũ này Nga không còn sử dụng nữa, nhưng hiện vẫn có trong kho vũ khí của quân đội Ukraina.

Reuters dẫn lời Giám đốc Almaz-Antei là Yan Novikov cho biết: dựa trên phân tích thiệt hại trên thân máy bay MH17, thủ phạm gây nên vụ rơi máy bay thảm khốc này có thể là loại đầu đạn cũ của tên lửa BUK mà phía Ukraina vẫn đang sử dụng.

{keywords}

Hiện trường vụ rơi máy bay MH17.

Theo tuyên bố này, máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines đã bị trúng tên lửa BUK 9M38-M1. Báo cáo của Almaz-Antei cho thấy loại tên lửa này đã bị ngừng lắp ráp tại Nga ba năm trước khi công ty này được thành lập.

“Trong giai đoạn đầu điều tra, chúng tôi đã xác lập được hệ thống (tên lửa). Đây là hệ thống BUK-M1 [NATO hay gọi là SA-11], dùng hỏa tiễn 9M38-M1 và đầu đạn 9M314” – kỹ sư trưởng Mikhail Malyshev nói.

{keywords}

Hãng Almaz-Antei nói rằng tên lửa BUK được bắn đi từ Zaroshenskoe.

Trong khi đó, quân đội Nga sử dụng tên lửa BUK 9M37. Loại tên lửa được nhận diện trong báo cáo đã không còn sản xuất tại Liên bang Nga kể từ năm 1999, còn hãng Almaz-Antei được thành lập năm 2002.

Cho tới năm 2005, Ukraina có 991 tên lửa BUK 9M38-M1. “Chúng tôi có bằng chứng cho thấy lực lượng vũ trang Ukraina có loại tên lửa này” – ông Yan Novikov nói.

“Đặc điểm chính của tên lửa 9M38-M1 là nó tạo nên một vùng có hình dạng như ‘vết dao’ vuông góc với hướng bay của tên lửa” – ông Malyshev nói.

Ông Malyshev nói thêm là chính từ dấu vết hình dao cắt này mà nhóm điều tra đã tìm ra đường bay của tên lửa với độ tin cậy cao.

{keywords}

Một số phân tích về kỹ thuật của hãng Almaz-Antei cho thấy đặc tính hủy diệt của BUK, và thể hiện trên thân máy bay MH17.

Theo báo cáo, phân tích mức độ hư hại cho thấy nếu như tên lửa được bắn đi từ Snezhnoye như phía Ukraina nói, thì ‘toàn bộ phần mặt sau của cabin máy bay có thể đã bị thổi bay’.

“Mảnh tên lửa di chuyển từ mũi máy bay cho tới bên trong thân máy bay. Động cơ bên trái, cánh trái và đặc biệt là phần đuôi máy bay bị hư hại. Các chuyên gia kết luận rằng tên lửa đã di chuyển và giao cắt với đường bay của máy bay. Đó không phải từ phía trước, mà ở phía bên hông” – ông Malyshev nói.

Và cũng theo phân tích của hãng, hệ thống tên lửa này đã được khai hỏa từ vùng lãnh thổ do quân chính phủ Ukraina kiểm soát.

Almaz-Antei tuyên bố rằng tên lửa được phóng đi từ vùng Zaroshchenske. Ukraina nói rằng khi đó, vùng đất do quân ly khai kiểm soát, nhưng Moscow lại quả quyết rằng thị trấn này khi đó do quân đội chính phủ nắm giữ.

{keywords}

Hệ thống tên lửa BUK

Hôm 21/7/2014, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng có hai hệ thống BUK đặt tại nam Zaroshchenske và trong tầm bắn MH17 vào đúng ngày máy bay bị trúng đạn. Tuy nhiên, phân tích của trang Bellingcat cho thấy tuyên bố này của Nga không xác thực khi mà hình ảnh vệ tinh do Nga đưa ra đã lỗi thời và được chỉnh sửa, không thể hiện được những gì đã xảy ra trên mặt đất vào ngày 17/7/2014.

Hãng Almaz-Antei nói thêm rằng vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, vệ tinh của Mỹ có bay qua khu vực này và việc công bố thông tin có thể giúp ích cho quá trình điều tra nguyên nhân máy bay bị rơi.

Lê Thu