Lần đầu tiên Nga thực hiện chiến dịch quân sự bên ngoài biên giới của Liên
bang Xô Viết cũ kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
TIN BÀI KHÁC:
Đến nay, Mỹ và các đối tác liên quân đã tổ chức hơn 7.000 cuộc không kích ở Syria và Iraq chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, ngay cả khi có đánh giá một cách lạc quan nhất thì hiệu quả của chúng cũng còn quá hạn chế.
Nga hiện mới chỉ giới hạn chiến dịch không kích ở Syria. Đợt oanh tạc đầu tiên cho thấy, mục tiêu cơ bản của Moscow là làm giảm áp lực mà các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang đối mặt. Và danh sách mục tiêu không chỉ liên quan tới IS.
Vậy người Nga có những năng lực gì với đội hình vừa được triển khai tới Latakia? Vũ khí nào họ có thể sử dụng? So với các nước phương Tây thì không lực Nga mạnh cỡ nào? Và rốt cuộc họ có thể đạt được gì?
Lực lượng không quân mà Nga cử tới Syria thể hiện một mô hình thu nhỏ của toàn bộ Không lực Nga. Như Michael Kofman, một nhà phân tích của Tập đoàn CNA ở Mỹ đánh giá, Nga có khoảng 34 máy bay ở Latakia, gồm nhiều loại: 12 chiếc Su-25; 12 chiếc Su-24M2; 4 chiếc Su-30SM; và 6 chiếc Su-34.
"Con số này cho thấy các máy bay tấn công thuộc thế hệ cả cũ lẫn mới, và các chiến đấu cơ đa năng, hiện đại nhất mà Nga có thể cung cấp", ông nói.
Clip chiến đấu cơ Nga bắn tan tành các mục tiêu IS:
"Su-24M2 là loại máy bay ném bom chiến thuật cổ điển, được hiện đại hóa từ thời Xô Viết và có khả năng thực hiện nhiều sứ mệnh không kích khác nhau. Tuy nhiên, chúng khá cũ".
Các thành phần đáng quan tâm hơn trong lực lượng mà Nga triển khai, theo Kofman, là Su-30SM và Su-34.
Su-30SM là một chiến đấu cơ đa năng hạng nặng, có thể vừa chiến đấu không - đối - không vừa nã chính xác vào các mục tiêu dưới mặt đất.
Sự góp mặt của Su-34 khiến cho đội hình thêm hoàn thiện. "Chúng là loại máy bay tấn công tân tiến hơn, có thể thay thế cho Su-24M2, có khả năng vừa ném bom vừa phòng thủ không - đối - không. Loại vũ khí này chưa bao giờ tham gia chiến tranh nên người Nga có thể nhân dịp này tiến hành thử nghiệm".
Theo Douglas Barrie, thành viên cấp cao về Không gian Quân sự tại Viện Các nghiên cứu Chiến lược ở London: "Không lực Nga ngày nay không có nhiều các vũ khí và các hệ thống nhắm tới mục tiêu có độ chính xác cao như các nước phương Tây. Điều này là một vấn đề không mới với lực lượng không quân, kể từ sau khi phơi bày trong cuộc chiến Gruzia năm 2008".
"Kể từ đó, không lực Nga đã cố hết sức để phát triển và có được các vũ khí cũng như các hệ thống nhắm tới mục tiêu giống như của Mỹ và nhiều nước châu Âu khác. Vấn đề bắt nguồn từ sự sụp đổ của Liên Xô và nhiều thập niên đầu tư không thỏa đáng vào việc phát triển các hệ thống vũ khí tân tiến".
Ngoài ra còn có nhiều sự khác biệt nổi trội khác về công nghệ.
Mặc dù một số máy bay không người lái cũng đã được triển khai tới Syria, theo ông Barrie, người Nga vẫn "chưa có các hệ thống trên không không người lái phục vụ cho tình báo, giám sát và do thám như Mỹ và các đồng minh từng sử dụng rộng rãi ở Afghanistan. Nước này cũng không có cùng cấp độ kinh nghiệm kết hợp không gian - mặt đất trong những năm gần đây".
Tuy có nhiều hạn chế, song theo giới phân tích, người Nga vẫn có thể thực hiện hiệu quả một chiến dịch trên không ở Syria. Và với sự ủng hộ dành cho Tổng thống Bashar al-Assad, vai trò của Nga sẽ làm thay đổi các tính toán về ngoại giao và của khu vực. Ở tầm cỡ này, sức mạnh không quân Nga có thể sẽ là một yếu tố quyết định.
Thanh Hảo