Cuộc xung đột ở Syria đã thu hút nhiều cường quốc lớn can dự, cả ủng hộ lẫn phản đối Tổng thống Bashar al-Assad.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Nga

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Theo BBC, Nga là một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất của ông Assad và sự tồn tại của chính quyền Damascus đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì các lợi ích của Moscow ở nước này.

Đến nay, Nga đã phong tỏa nhiều nghị quyết lên án Tổng thống Assad tại Hội đồng Bảo an và tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân đội Syria.

Moscow muốn duy trì một cơ sở hải quân then chốt thuê tại cảng Tartous của Syria. Đây là căn cứ duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, phục vụ cho Hạm đội Biển Đen.

Cuối tháng 9/2015, Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria, tuyên bố nã vào các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) và "tất cả bọn khủng bố". Tuy nhiên, các nhóm nổi dậy được phương Tây ủng hộ nói rằng, họ cũng bị nhắm tới.

Mặc dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định chỉ một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt được xung đột.

Mỹ

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: AP)

Mỹ cáo buộc Tổng thống Assad gây tội ác tràn lan và nói ông phải ra đi. Tuy nhiên, nước này nhất trí cần phải có một sự dàn xếp để chấm dứt cuộc chiến ở Syria và thành lập một chính phủ chuyển giao.

Mỹ ủng hộ Liên minh Dân tộc, phe đối lập chính ở Syria, và cung cấp sự hỗ trợ quân sự có giới hạn cho quân nổi dậy "ôn hòa".

Kể từ tháng 9/2014, Mỹ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria. Chiến dịch này là một phần của liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, Washington tránh các cuộc tấn công có thể có lợi cho quân đội Syria và tránh can thiệp vào chiến trận giữa lính chính phủ và quân nổi dậy.

Một chương trình của Mỹ nhằm đào tạo và vũ trang cho 5.000 quân nổi dậy chiến đấu chống IS trên thực địa không mang lại hiệu quả, với rất ít chiến binh tiếp cận được tuyến đầu.

Ảrập Xêút

{keywords}
Ảrập Xêút yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. (Ảnh: AP)

Vương quốc Vùng Vịnh này cho biết, Tổng thống Assad không thể là một phần của giải pháp chấm dứt xung đột Syria, đòi ông này phải trao lại quyền lực cho một chính phủ chuyển giao nếu không muốn bị hạ bệ bằng vũ lực.

Ảrập Xêút là nước hỗ trợ tài chính và quân sự chủ chốt cho một số cánh quân nổi dậy ở Syria. Riyadh kêu gọi thiết lập một vùng cấm bay để bảo vệ dân thường khỏi bom đạn từ quân đội của ông Assad.

Các nhà lãnh đạo Ảrập Xêút đã tức giận khi chính quyền Obama quyết định không can thiệp quân sự vào Syria, sau vụ tấn công hóa học năm 2013 mà quân của ông Assad bị quy kết là thủ phạm.

Sau đó, họ nhất trí tham gia vào chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS vì lo ngại tổ chức này giành được lợi thế và lan rộng.

Thổ Nhĩ Kỳ

{keywords}
Ảnh: Reuters

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lên án Tổng thống Assad ngay từ những ngày đầu Syria chìm vào xung đột.

Ankara ủng hộ phe đối lập ở Syria và đối mặt với gánh nặng phải tiếp nhận gần 2 triệu người tị nạn. Tuy nhiên, chính sách cho phép các chiến binh nổi dậy và người tị nạn vượt qua biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các thánh chiến binh nước ngoài lợi dụng để tới Syria gia nhập IS.

Sau một vụ tấn công bom của IS hồi tháng 7/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho liên quân do Mỹ đứng đầu dùng các căn cứ không quân của mình để tấn công IS ở Syria.

Iran

{keywords}
Ảnh: AP

Iran, một cường quốc Shiite trong khu vực, được tin đã chi hàng tỷ đôla mỗi năm để nâng đỡ Tổng thống Assad và chính phủ gồm đa số người Alawite ở Damascus, cung cấp các cố vấn quân sự và vũ khí.

Tổng thống Assad là đồng minh Ảrập thân thiết nhất của Iran và Syria là một điểm trung chuyển chính cho vũ khí Iran tới tay phong trào Hezbollah ở Lebanon.

Iran được tin là có ảnh hưởng đến quyết định của Hezbollah gửi chiến binh tới tây Syria để hỗ trợ lực lượng ủng hộ Assad.

Iran đã đề xuất một sự chuyển giao hòa bình ở Syria mà đỉnh điểm của nó sẽ là một cuộc bầu cử tự do và đa đảng. Tuy nhiên, nước này vẫn không tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình đa phương về Syrai do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Mỹ đã tỏ mong muốn Iran sẽ được mời.

Thanh Hảo