Tranh chấp giữa các nhóm chiến binh ngoại quốc khác nhau có thể sẽ tàn phá IS từ bên trong, một thành viên vừa đào tẩu khỏi tổ chức này nói với báo Daily Beast.

TIN BÀI KHÁC:


Abu Khaled - biệt danh của nhân vật đào tẩu - đã trò chuyện với nhà báo Michael Weiss ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Khaled đã mô tả một cách chi tiết về IS và các hoạt động bên trong tổ chức này. 

{keywords}
IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria nhưng đang đối mặt với tình trạng rạn nứt và chia rẽ trong nội bộ.

Theo Khaled, mặc dù IS dựa vào đông đảo chiến binh nước ngoài, song các thủ lĩnh của tổ chức này hiện nay đang lo sợ họ có thể không trung thành tuyệt đối và IS có thể bị phân rẽ theo sắc tộc hoặc dân tộc.

Các chiến binh nước ngoài được tổ chức thành các tiểu đoàn dựa vào gốc gác của họ để dễ liên lạc và kiểm soát. Nhưng cách sắp xếp này giờ không còn được áp dụng sau sự tan rã của một lữ đoàn Lybia 750 quân, có tên là al-Battar, dường như do không trung thành tuyệt đối.

"IS thấy rằng các thành viên của lữ đoàn trung thành với tiểu vương của mình, hơn là với tổ chức. Do vậy al-Battar đã bị giải tán", Khaled giải thích.

Tình trạng mất lòng tin của các tay súng nước ngoài hiện nay cũng đang khiến IS phải lập ra các sư đoàn chiến binh đa sắc tộc, thậm chí một số thành viên không nói được tiếng Ảrập.

Abu Khaled cho biết, sau vụ việc của al-Battar thì các thủ lĩnh IS ở Raqqa đã từ chối đề xuất của anh ta về việc thành lập một sư đoàn nói tiếng Pháp. "Họ nói với tôi: Trước kia chúng ta đã gặp phải vấn đề với những người Libya. Giờ chúng tôi không muốn người Pháp vào cùng một katiba [lữ đoàn] nữa'".

Những gì Abu Khaled kể về IS trùng khớp với thông tin trước đó rằng thất bại của IS trên một số chiến tuyến đã phơi bày tình trạng rạn nứt trong nội bộ tổ chức này.

Chẳng hạn, các chiến binh Chechnya và Uzbekistan đã đụng độ nhau, sau khi IS không chiếm được thành phố Kobane hồi tháng 1. Bên nọ đổ lỗi cho phía kia gây ra thất bại. Hai quan chức cấp cao của IS dường như đã phải bỏ mạng trong cuộc tranh giành này.

Căng thẳng được cho là cũng đang xuất hiện giữa các chiến binh nước ngoài của IS với những người Syria bản xứ. Tình trạng này đã phá hỏng một khái niệm tuyên truyền then chốt của IS: Thống nhất tất cả các tín đồ Hồi giáo vào trong "Vương quốc".

Theo Tạp chí Phố Wall, người nước ngoài trong tổ chức này có thể nhận tiền lương cao gấp đôi so với các thành viên bản địa. Họ cũng được ưu ái sống tốt hơn ở những nơi IS kiểm soát, ít bị triển khai tới tuyền đầu hơn so với người Syria hay Iraq.

Sự phân biệt đối xử đó đã làm dấy lên oán giận trong nội bộ IS, với người Syria cảm thấy họ phải đảm nhận phần rủi ro lớn hơn.

Chênh lệch cũng làm bùng phát bạo lực giữa các phe nhóm. Hồi tháng 3, một nhóm chiến binh ngoại quốc và một nhóm tay súng Syria đã bắn vào nhau ở thị trấn Abu Kamal thuộc biên giới Iraq sau khi có mệnh lệnh điều người Syria tới tuyến đầu này của Iraq.

Khi những bất đồng đang ngày càng nghiêm trọng bên trong IS, Abu Khaled nói rằng chúng sẽ leo thang nhanh chóng và thể hiện bằng bạo lực. Trong một trường hợp, một thủ lĩnh IS ở Raqqa đã ra lệnh cho thuộc hạ bảo vệ mình trước những thánh chiến binh dưới quyền kiểm soát.

"Tôi từng ở Raqqa và có tới 5-6 người Chechnya ở đó. Có lần họ nổi điên về việc gì đó nên đã tới gặp tiểu vương của Raqqa. Ông ta quá sợ nên ra lệnh sắp xếp lính bắn tỉa trên nóc các tòa nhà. Ông ta nghĩ nhóm Chechnya này sẽ tấn công. Nhóm bắn tỉa đã chốt giữ suốt 2 giờ đồng hồ".

Việc IS để mất thêm các vùng lãnh thổ chiếm được ở Iraq và Syria cũng đang khiến cho quan hệ giữa các phe nhóm khác nhau của tổ chức này trở nên căng thẳng. Trong khi đó, IS tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề khi liên tiếp bị oanh kích bởi không lực liên quân do Mỹ đứng đầu, bị quân đội Syria và lực lượng dân quân Kurd ngăn chặn trên thực địa.

Thanh Hảo