Năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã nhìn thẳng vào mắt nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và "soi" tâm trí của ông. Giờ đây, Tổng thống Obama dường như đang tìm cách "vào hẳn trong đầu" người đồng cấp.
Tuy nhiên, cho đến nay, cả ông Bush lẫn ông Obama đều chưa thể đoán biết được ông Putin. "Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ấy. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy", báo Washington Post dẫn lời ông Bush kể lại. "Tôi có thể nắm được một ý nghĩ trong tâm trí của ông ấy".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barrack Obama. (Ảnh: National Interest) |
Theo Washington Post, Obama không lo lắng trước Putin nhưng cũng như người tiền nhiệm, ông có thể đang muốn phóng chiếu vào người đồng cấp Nga một loạt những toan tính mà ông khát khao theo đuổi. Tổng thống Mỹ hiện đang cân nhắc lợi ích, suy tính thiệt hơn và nghĩ về những trải nghiệm đã qua. Và ông muốn những người khác hành xử theo cách tương tự.
Nhưng khi một chính sách ngoại giao dựa vào những kỳ vọng như vậy không khuất phục được các lãnh đạo tham vọng muốn có ảnh hưởng lớn hơn và trung thành với các chiến lược lâu đời, thì kết quả sẽ rất phiền phức. Đến lúc này, có vẻ như chiến lược dựa trên những tính toán logic và lý lẽ như vậy sẽ thất bại.
Tổng thống Mỹ vẫn đang cố gắng thuyết phục ông Putin dựa trên nền tảng đó, cẩn thận nhắc đến mọi khía cạnh.
Đầu tiên, ông nêu ra câu chuyện hiện thời: "Tôi nghĩ ông Putin hiểu rõ rằng, với Afghanistan vẫn còn mới trong ký ức, đơn giản sa vào một cuộc nội chiến dai dẳng và tê liệt (ở Syria) không phải là thứ ông ấy tìm kiếm", Tổng thống Mỹ nói tại một cuộc họp báo ở Paris ngày 2/12 trong thời gian diễn ra cuộc họp của Liên Hợp Quốc về khí hậu.
Ông chủ Nhà Trắng nhắc đến lợi ích của chính người Nga bằng cách nêu ra hiểm họa khủng bố. "Tôi nghĩ rằng, với việc IS nhận trách nhiệm gây tai nạn máy bay Nga thì có một sự nhận thức ngày càng rõ ở phía Tổng thống Putin, rằng IS đang là mối đe dọa lớn đối với họ hơn bất cứ điều gì khác trong khu vực".
"Vấn đề lúc này là liệu họ có thể điều chỉnh chiến lược để trở thành đối tác hiệu quả hơn với chúng tôi và 65 quốc gia khác không" trong chiến dịch diệt trừ IS.
Sau đó, Obama gợi nhắc đến tính thực tế khi khẳng định kêu gọi hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một việc thiết thực chứ không hề cảm tính. "Dù các bạn cảm thấy thế nào về ông Assad, không nói tới chuyện đạo đức lương tâm, mà thực tế là ông Assad không thể đưa đất nước mình trở lại với nhau và tập hợp tất cả các bên vào một chính phủ đa đại diện", ông Obama lập luận.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã sử dụng thủ thuật tương tự khi cố gắng thuyết phục Putin lùi bước trong cuộc xung đột Ukraina. Tại sao lại đối xử như thế với Ukraina khi làm như vậy có nghĩa là phải nhận cấm vận của phương Tây? Tại sao lại lo sợ khi Ukraina liên kết với Liên minh châu Âu (EU), sau khi EU háo hức muốn tiến gần hơn tới Nga?
Suy nghĩ của Obama về lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi những sai lầm mà ông Bush phạm phải ở Iraq và ở Afghanistan. Obama vận động tranh cử năm 2008 với cam kết chấm dứt cả hai cuộc chiến này, và những khó khăn khi rút quân càng khiến ông thận trọng hơn khi tính toán sa chân vào một bãi lầy tiềm tàng mới, đặc biệt ở Syria.
Tổng thống Nga dường như lại không cảm nhận theo cách đó, và điều này khiến ông Obama thất vọng.
"Tôi không trông mong các bạn sẽ chứng kiến một sự thay đổi 180 độ về chiến lược của họ trong vài tuần tới", Tổng thống Mỹ bày tỏ, ý nói đến người Nga. "Họ sẽ đầu tư nhiều năm vào việc giữ cho Assad tại vị. Sự hiện diện của họ ở đó là để chống đỡ cho ông ấy. Do vậy sẽ phải mất một khoảng thời gian để họ thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề".
Nhưng liệu ông Putin có vô lý? Trung Đông từ lâu đã là một nấm mồ chôn các kế hoạch ngoại giao và hòa bình dựa trên tính toán và lợi ích, chứ chưa nói đến các lý tưởng.
Có thể ông Putin đang có những tính toán thận trọng của riêng mình - chứ không chỉ những gì tương tự của người đồng cấp Mỹ. Ông đầu tư tương đối ít vào việc ủng hộ Assad và ngay lập tức giành một chỗ trong bàn đàm phán với Obama và các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, những người đã "cự tuyệt" ông vì khủng hoảng Ukraina.
Có lẽ, Putin sẽ nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác về Syria để giảm bớt những đòn trừng phạt mà Nga đang phải hứng chịu liên quan đến Ukraina. Trong khi đó, EU - khối mà Ukraina hăm hở muốn liên kết - đang ngày càng trở nên lu mờ, bị chia rẽ vì cuộc khủng hoảng di cư và cuống quít trước những lời đe dọa tấn công khủng bố.
Còn ông Obama? Khi trúng cử, ông được xem là người có những lý tưởng cao cả với những ngôn từ hùng biện làm lay chuyển lòng người. Nhưng chính sách ngoại giao của ông lại bám ngày càng sâu vào các lợi ích Mỹ.
Nhiều người chỉ trích Obama quá vụng về trong các mối quan hệ với Putin; một số người gọi ông là kẻ ngạo mạn trong khi số khác nói ông khờ dại. Một nhà ngoại giao nhận định, khi Obama tuyên bố không lao vào một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Putin, nghĩa là ông đã cho nhà lãnh đạo Nga "toàn quyền tự do hành động" tấn công vào các đồng minh được Mỹ ủng hộ ở Syria.
Có thể ông Obama không kiêu căng cũng chẳng ngờ nghệch. Có chăng chỉ là một sự khác biệt về văn hóa và con người. Hai nhà lãnh đạo không thích nhau. Putin luyện Judo, Obama chơi golf. Họ có rất ít điểm chung. Nhưng cả hai đều đang sút vào hố cát.
Thanh Hảo