Iran và Ảrập Xêút đang lao vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến những tranh cãi quanh vụ hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shiite nổi tiếng Sheikh Nimr al-Nimr.
Quan hệ ngoại giao hai bên đã bị cắt đứt. Những lời lẽ gay gắt từ bên nọ tuôn ra nhằm vào bên kia. Người biểu tình Iran ập vào tòa sứ quán Ảrập Xêút ở Tehran. Tuy nhiên, tranh cãi giữa hai nước Trung Đông thực ra bắt nguồn từ những căn nguyên sâu xa về lịch sử, tôn giáo và chính trị.
Ảrập Xêút cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi sứ quán nước này ở Tehran bị tấn công bởi những người phản đối vụ xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr. (Ảnh: Zee News) |
Tôn giáo
Iran và Ảrập Xêút là hai phía đối lập của một cuộc tranh cãi kéo dài đã hơn 1.000 năm ở trung tâm đạo Hồi - giữa hai phe Sunni và Shiite.
Sau khi Nhà tiên tri Mohammed qua đời, các tín đồ của ông tranh nhau ngôi vị người thừa kế chính đáng.
Cả người Shiite và Sunni đều có chung những đức tin cơ bản và cùng tồn tại qua nhiều thế kỷ - sự thù địch giữa Iran và Ảrập Xêút sẽ được hiểu thấu đáo hơn dưới góc độ một cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Đông và cả bên ngoài khu vực.
Nhưng dù thế nào thì khuynh hướng bè phái vẫn là một thực tế xấu trong rất nhiều cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt ngày nay.
Vị thế của cả Iran lẫn Ảrập Xêút, hai nước tiêu biểu của đạo hồi Shiite và Sunni, thể hiện qua các chính sách ngoại giao của họ, với cả hai bên đều thành lập liên minh với những nước có cùng ý thức hệ - và ủng hộ các nhóm dân quân mà bên kia thù ghét.
Cách mạng Iran
Sự thù nghịch gần đây giữa Iran và Ảrập Xêút có thể nói bắt nguồn từ cuộc cách mạng năm 1979 ở Tehran, sự kiện chứng kiến một nhà lãnh đạo thân phương Tây bị lật đổ và các nhà chức trách tôn giáo Shiite lên nắm quyền.
Tehran bắt đầu ủng hộ các phe nhóm Shiite ở nước ngoài. Còn Riyadh - vốn lo ngại sự ảnh hưởng gia tăng Iran - thắt chặt quan hệ với các chính phủ Sunni, trong đó có việc thành lập Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Những năm 1980 chứng kiến căng thẳng giữa Iran và Ảrập Xêút leo thang. Ảrập Xêút ủng hộ Saddam Hussein của Iraq, và sau các cuộc đụng độ tại Mecca năm 1987 là hàng trăm người hành hương Iran thiệt mạng, Riyadh đã dừng quan hệ ngoại giao với Tehran trong 3 năm.
Một cột mốc chính nữa là cuộc xâm lược Iraq của liên quân do Mỹ đứng đầu, với việc Saddam Hussein bị lật đổ và một chính phủ do người Shiite lên nắm quyền.
Trong thời kỳ diễn ra Mùa xuân Ảrập, Iran ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong khi Ảrập Xêút hậu thuẫn phe đối lập khi các cuộc biểu tình biến thành nội chiến ở Syria.
Ở Bahrain, quân Ảrập Xêút giúp dẹp bỏ các cuộc biểu tình chống chính phủ của người dân đa số theo dòng Hồi giáo Shiite.
Ảrập Xêút còn cảm thấy bị đe dọa bởi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, lo ngại một sự nới lỏng cấm vận sẽ cho phép Iran tăng cường hỗ trợ cho các nhóm Shiite ở Trung Đông.
Tiếp nối cơn thịnh nộ của Iran về một vụ giẫm đạp đẫm máu trong kỳ hành hương năm ngoái và một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Ảrập Xêút kể từ khi vị vua mới lên trị vì, tranh cãi quanh việc Riyadh xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr là diễn biến mới nhất trong một cuộc tranh đua đã thâm căn cố đế.
Đối địch nhau trong các cuộc xung đột lớn
Hiện tại đang có hai điểm nóng là Syria và Yemen. Khi tin tức về vụ xử tử Sheikh Nimr nổi lên cũng là lúc liên minh do Ảrập Xêút dẫn đầu chống phiến quân Houthi dòng Shiite ở Yemen chính thức thông báo chấm dứt một lệnh ngừng bắn mà thời gian qua chưa bên nào tuân thủ đầy đủ.
Ảrập Xêút cáo buộc Iran ủng hộ phe Houthi, và can thiệp nhằm yểm trợ cho Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansour Hadi. Chia rẽ về Syria thì xuất phát từ thực tế Iran muốn đồng minh Assad tiếp tục cầm quyền còn Ảrập Xêút muốn ông này phải ra đi. Cả hai ủng hộ các nhóm đối lập kình địch trên thực địa.
Các nỗ lực nhọc nhằn đã được thực hiện để đưa hai nước tham gia các cuộc hòa đàm vào cuối tháng này, mục đích là để giải quyết một cuộc nội chiến đã cướp mạng sống của 250.000 người. Nhưng với hiện trạng quan hệ ngoại giao Riyadh-Tehran vừa bị cắt đứt, cơ hội thành công trở nên quá mong manh.
Hệ quả nguy hiểm
Những gì xảy ra vẫn chưa xác định được, nhưng tình hình thì hết sức nguy hiểm.
Chắc chắn, mối quan hệ thù địch Riyadh-Tehran sẽ càng làm cho thực tế ở Yemen và Syria thêm tồi tệ, khi một giải pháp ngoại giao khó có thể ra đời và cả hai đều muốn ngăn chặn ảnh hưởng của bên kia.
Và phản ứng quốc tế cũng dễ dự đoán. Đồng minh của Ảrập Xêút như Bahrain sẽ áp dụng các biện pháp hoặc hạ cấp hoặc chấm dứt quan hệ với Iran. Các cường quốc thế giới thì kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng. Mỹ rơi vào một vị trí nhạy cảm, là một đồng minh dài hạn của Ảrập Xêút nhưng lại đang hưởng mối quan hệ ấm lên với Iran tiếp sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Chính sách đối ngoại của Mỹ hiện đang vận hành "trục xoay" hướng tới châu Á; vậy Washington sẽ sẵn sàng can thiệp vào mối bất hòa này ở mức nào?
Dự đoán u ám nhất của các nhà bình luận là khu vực có thể tiến vào một phiên bản Cuộc chiến 30 năm hồi thế kỷ 17, khi các nước Công giáo và Tin lành tranh giành uy thế.
Nhưng nhiều người sẽ hy vọng, những người tức giận bởi cái chết của giáo sĩ Sheikh Nimr sẽ tiếp nhận lời khuyên của chính em trai Giáo sĩ, Mohammed, rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng nên diễn ra ôn hòa.
Thanh Hảo