Triều Tiên hôm 6/1 đã tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Nếu đúng thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong tham vọng hạt nhân của quốc gia này.

Ngay sau tuyên bố kể trên, Bình Nhưỡng bị các nước lên án tới tấp. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn.

Tại Mỹ, các quan chức thuộc hai phe Cộng hòa và Dân chủ bắt đầu đổ lỗi cho nhau, với phe Cộng hòa nêu ra rằng 3 trong 4 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên xảy ra trong thời kỳ ông Barack Obama lãnh đạo nước Mỹ.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chẳng chính đảng nào của Mỹ có thể kiểm soát được tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

{keywords}
  Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: The Australian)

Trong một bài bình luận trên báo Fox News, nữ tác giả Judith Miller cho rằng, kiểu ngoại giao cây gậy và củ cả rốt khó có thể đạt được hiệu quả với chính quyền hiện nay của ông Kim Jong Un.

Chính sách bỏ qua Triều Tiên của Tổng thống Obama - còn được biết đến là "sự kiên nhẫn chiến lược" - rõ ràng đã thất bại. Và đến nay vẫn chưa thể biết chắc chính quyền Washington sẽ làm gì tiếp theo để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Judith Miller, Mỹ hiện chỉ có rất ít lựa chọn để đáp trả Bình Nhưỡng.

Tăng cường cấm vận: Một số ý kiến cho rằng cấm vận xưa nay không thay đổi được cách hành xử của Triều Tiên thì giờ có cấm vận thêm nữa cũng không ích gì.

Tuy nhiên, Victor D. Cha, cựu Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia chính quyền George W. Bush, cho rằng cấm vận đối với Triều Tiên hiện tại mới chỉ bằng một phần nhỏ so với các lệnh trừng phạt Iran.

Vừa cấm vận vừa ràng buộc lại: Viết cho trang của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Arms Control Association - ACA), các tác giả Daryl G. Kimball và Kelsey Davenport nhận định, Washington nên tăng cường và thắt chặt việc thực thi các lệnh trừng phạt hiện thời của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm vào các thực thể Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Tuy nhiên, hai chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên chắc chắn không thu hẹp các chương trình hạt nhân của mình, chứ đừng nói đến viễn cảnh "nối lại ràng buộc ngoại giao".

Greg Thielman, cũng thuộc ACA, kêu gọi Nhà Trắng hãy theo đuổi phương pháp đối thoại, nhắm tới một mục tiêu thiết thực hơn, đó là làm tê liệt chương trình hạt nhân của Triều Tiên thay vì "tìm cách (và thất bại) để đạt được cam kết không đáng tin cậy khác về giải trừ hạt nhân ở đất nước này".

Nhưng đến giờ, giới quan sát thấy rằng, ông Kim Jong Un không mấy quan tâm chuyện đàm phán.

Thắt chặt lệnh cấm thử hạt nhân toàn cầu: Andrew Weber, cựu cố vấn của Lầu Năm Góc về không phổ biến hạt nhân, đề nghị Mỹ và các nước lớn khác hãy thắt chặt việc cấm thử hạt nhân toàn cầu bằng cách thúc ép các nước ký hoặc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Vũ khí hạt nhân toàn diện 1996.

Ông cho biết, hiện nay chỉ có Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên là chưa ký hiệp ước. Tuy các nước Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel và Mỹ đã ký nhưng chưa nước nào bỏ phiếu để phê chuẩn hiệp ước này.

"Nhờ cậy" Trung Quốc: Ngay cả các ứng viên Tổng thống Mỹ sáng giá là Rand Paul và Hillary Clinton đều nhất trí rằng sức ép từ Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc kiềm chế nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra không muốn làm việc này.

Một chính sách an ninh quốc gia mạnh mẽ hơn: Robert Joseph, cố vấn cấp cao của Tổng thống Bush, nhận định Triều Tiên sẽ chỉ bị ngăn chặn nếu Washington theo đuổi một chính sách an ninh quốc gia dựa trên "nguyên tắc và sức mạnh, thay vì nhân nhượng và mềm yếu".

Ông lấy thỏa thuận hạt nhân với Iran làm ví dụ và kêu gọi chính phủ tới đây ở Mỹ hãy tiếp sức cho các chương trình cấm phổ biến hạt nhân và thỏa thuận giữa các nước nhằm tịch thu những con tàu chở hàng hóa và thiết bị liên quan đến hạt nhân trái phép.

Thanh Hảo