Chính quyền Kim Jong Un chào đón 2016 bằng một vụ thử hạt nhân ngày 7/1. Tiếp đó là một vụ phóng tên lửa vào tháng 2 và tuyên bố thu nhỏ thành công đầu nổ hạt nhân.


Cùng với những hành động đó, Triều Tiên còn phóng một loạt tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía đông bắc vào ngày 21/3. Thứ Sáu tuần trước, nước này phóng tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên kể từ năm 2014, bay một quãng đường 800km rồi đáp xuống biển Nhật Bản.

{keywords}
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: AP)

Hãng tin NPR dẫn lời Melissa Hanham - một nhà nghiên cứu tại Trung tâm James Martin về Các nghiên cứu Không phổ biến hạt nhân ở Monterey, California (Mỹ) - bình luận: "Những người làm việc về Triều Tiên như chúng tôi đều đang cảm thấy có chút mệt mỏi bởi có quá nhiều (diễn biến), hàng ngày".

Ngoài một loạt hành động về quân sự, chính quyền Bình Nhưỡng còn bắt giữ Otto Warmbier, người Mỹ, với cáo buộc nam sinh viên 21 tuổi này định trộm một biểu ngữ tuyên truyền. Warmbier bị phạt 15 năm ngồi tù và lao động khổ sai.

Những lời đe dọa gay gắt nhằm vào Mỹ và các đồng minh thì Triều Tiên đưa ra gần như thường nhật. Nước này dọa tấn công hạt nhân vào Nhà Trắng cho đến khi "không còn gì, kể cả tro bụi" và "xóa sổ" Hàn Quốc.

Vậy nhà lãnh đạo Kim Jong Un thực sự muốn gì với một loạt những ngôn từ gay gắt và hành động gây quan ngại như vậy?

"Có rất nhiều cuộc tranh luận về việc "Triều Tiên muốn gì" - NPR dẫn lời Sheena Greitens, một thành viên của Trung tâm Các nghiên cứu chính sách Đông Á nói. 

Tháng 3 luôn là thời điểm căng thẳng tăng cao. Đó là khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận thường niên, có sự tham gia của hàng trăm nghìn binh sĩ. Năm nay, Triều Tiên đặc biệt thể hiện sự tức giận vì họ sắp có một cuộc họp chiến lược quan trọng: Đại hội Đảng Lao động đầu tiên kể từ năm 1980.

"Tôi không nghĩ tất cả đều là thử nghiệm khoa học. Tôi cho rằng phần nhiều mang tính chính trị", Melissa Hanham nhận định.

Trở lại năm 2013, Kim công bố chính sách byungjin - chủ trương vừa phát triển năng lực hạt nhân vừa phát triển kinh tế. Nhưng điều này lại tạo ra một sự trái ngược ở quốc gia 25 triệu dân có nền kinh tế nhỏ bé này: Phát triển hạt nhân hủy hoại phát triển kinh tế.

Triều Tiên cần đầu tư nước ngoài và họ biết rõ điều này. Đặc khu kinh tế Rason là một trung tâm đầu tư của người Trung Quốc, có nhiều khách sạn, sòng bạc và nhà hàng phục vụ cho các doanh nhân láng giềng.

Nơi đây còn tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng thông qua các chuyến tham quan các nhà máy, cử một số công nhân của doanh nghiệp đi học ở nước ngoài và trong những năm gần đây còn ký một số hợp đồng với các hãng như Oracom, từ Ai Cập, để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng Internet không dây (Wi-fi).

Nhưng các vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân vừa qua đã đẩy Triều Tiên vào một loạt đòn cấm vận mới của Liên Hợp Quốc. Thế nên giờ có ai dám làm ăn với Triều Tiên? Trung Quốc - nước trước kia từng ủng hộ Triều Tiên - giờ cũng quay sang ủng hộ việc trừng phạt.

Kaesong, ở miền nam Triều Tiên, là một tổ hợp công nghiệp chung giữa Hàn Quốc và Triều tiên, nơi có khoảng 54.000 người Triều Tiên làm việc. Nhưng Seoul đã đóng cửa khu công nghiệp này sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. Và giờ Bình Nhưỡng càng phụ thuộc vào đặc khu kinh tế Rason chung với Trung Quốc.

Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục mối quan hệ của họ và thương mại tiếp tục được trao đổi, thì chính quyền Kim Jong Un vẫn có thể yên tâm theo đuổi chính sách byungjin. Nhưng có một số bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc đang bắt đầu rút đi.

Và khi Triều Tiên nỗ lực thực hiện chính sách byungjin thì một mâu thuẫn nữa nảy sinh: Để được coi trọng ở một mức độ nào đó, nước này tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa - điều lại càng khiến họ bị nghi ngờ nhiều hơn, chịu nhiều cấm vận hơn.

Thanh Hảo

Triều Tiên đe Tổng thống Hàn chịu 'hồi kết bi thảm'

CHDCND Triều Tiên, hôm nay (23/3), đe dọa một "hồi kết bi thảm" dành cho Tổng thống Hàn Quốc và các đồng minh Mỹ của bà.

Xem Triều Tiên tập trận đổ bộ, chống đổ bộ

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo cuộc tập trận đổ bộ và chống đổ bộ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA).

Video sinh viên Mỹ dám tháo biểu ngữ ở Triều Tiên

Triều Tiên vừa công bố hình ảnh từ máy quay an ninh cho thấy, sinh viên Mỹ Otto Warmbier tháo một biểu ngữ chính trị khỏi bức tường của khách sạn.