Các cuộc biểu tình rộng khắp ở Bắc Phi và Trung Đông trong năm nay - được biết đến là Mùa Xuân Ảrập - đã tiêu tốn của khu vực này hơn 50 tỷ USD, theo một báo cáo mới.

TIN BÀI KHÁC:


Số phận của Libya vẫn chưa rõ vì chiến sự vẫn diễn ra ác liệt ở các thành trì cuối cùng của đại tá Muammar Gaddafi. (Ảnh: AP)

Báo cáo của tổ chức tư vấn Geopolicity cho biết Ai Cập, Syria và Libya phải chịu chi phí về tài chính cao nhất. Tổ chức này cảnh báo rằng, nếu không có một chương trình hỗ trợ khu vực, các tác động của Mùa Xuân Ảrập có thể sẽ tụt giảm. 

Tuy nhiên, theo Geopolicity, những quốc gia dầu mỏ tránh hoặc ngăn chặn được làn sóng nổi dậy lại được lợi nhiều nhất.

Sử dụng dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Geopolicity cho hay, các nước vừa trải qua xung đột hoặc những bất ổn dân sự tăng cao trong Mùa xuân Ảrập được cho là sẽ thiệt hại nhiều nhất về ngắn hạn.

Mặc dù vậy, báo cáo nêu rõ rằng không thể thống kê được phí tổn tài chính Mùa Xuân Ảrập năm 2011 một cách chính xác. "Không có nhiều chỉ dấu kinh tế quan trọng để sử dụng và tình hình hay thay đổi", Geopolicity nhấn mạnh. 

Lợi ích tổng thể

Libya, Syria, Egypt, Tunisia, Bahrain và Yemen đã chịu tác động nặng nề về kinh tế. Tổn phí đối với GDP lên tới 20,56 tỷ USD trong khi thiệt hại đối với tài chính công là 35,38 tỷ USD. 

Ở Yemen và Libya, tiêu dùng trong dân chúng giảm mạnh cùng với thu nhập công khi chính phủ sụp đổ. Thu nhập ở Yemen giảm 77% trong khi ở Libya, con số này là 84%. 

Những con số kể trên là tách biệt với những thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, kinh doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Tuy nhiên, toàn bộ khu vực đang được hưởng lợi về kinh tế từ Mùa Xuân Ảrập. Các nước giàu dầu lửa ngăn chặn hoặc tránh được làn sóng nổi dậy được cho là hưởng lợi nhiều nhất. 

Geopolicity nêu bật thực tế rằng UAE, Kuwait, và Ảrập Xêút nói riêng, đều tăng các doanh thu công. Ở Ảrập Xêút, tác động lên các thu nhập công là rất tích cực, tăng thêm 25%. Ở UAE, con số này là 31%. 

Tình hình bất ổn hiện nay ở Libya cần được chú ý đặc biệt. Báo cáo của  Geopolicity cho hay, số phận của Libya vẫn còn chưa được định rõ. 

Trên mặt trận chính trị, Geopolicity cho rằng dù kết cục cuộc chiến ở Sirte là gì, Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia Libya vẫn phải đối mặt với một cuộc đấu tranh nhằm thuyết phục các trưởng bộ tộc và những người đòi quyền lãnh đạo.

Chỉ dẫn quan trọng

Khi đánh giá chi phí ở Libya đến thời điểm này, Geopolicity viết: "Xung đột ở Libya đã làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế với phí tổn GDP khoảng 7,67 tỷ USD. Hơn 740.000 đã rời khỏi nước này kể từ khi xung đột bắt đầu, và sự gián đoạn nghiêm trọng trong ngành dầu lửa đã tàn phá quốc gia này". 

Peter Middlebrook, giám đốc quản lý của Geopolicity, cho biết, cuộc nghiên cứu đã diễn ra trong nhiều tháng và sẽ là sự trợ giúp quan trọng, như một chỉ dẫn cho G20, Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực như Liên Đoàn Ảrập, và các nước bị ảnh hưởng bởi Mùa Xuân Ảrập. 

Những tháng qua đã được mô tả là thời kỳ hỗn loạn khu vực lớn nhất trong thế giới Ảrập kể từ những năm 1950. Báo cáo khuyến nghị Liên đoàn Ảrập và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cần phải chèo lái tiến trình cải cách ở bên trong, với sự giúp đỡ phối hợp từ bên ngoài.  

Thanh Hảo (Theo BBC)