Cái chết của Muammar Gaddafi sẽ được phe Dân chủ Mỹ ca ngợi như một thành công nữa về chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi (trái) trước một bữa tối tại hội nghị G8 ở L'Aquila ngày 9/7/2009. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, dường như cái chết của Gaddafi ít có khả năng gây tác động lớn đến sự nghiệp chính trị của ông Obama trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử năm 2012 sắp diễn ra.

Thông tin về cái chết của ông Gaddafi xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm Tripoli và bày tỏ mong muốn nhà lãnh đạo bị lật đổ của Libya sẽ bị bắt sống hoặc bị giết chết.

Sự kiện nói trên diễn ra chưa đầy 8 tháng sau khi Tổng thống Obama đồng ý can thiệp quân sự vào Libya, một vai trò đã dẫn tới việc ông Gaddafi bị hất khỏi quyền lực. Nó cũng diễn ra chưa đầy 6 tháng sau khi một cuộc tấn công quân sự mà Tổng thống Obama cho phép đã kết liễu cuộc sống của thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden.

Ngay sau cái chết của trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới, ông Obama đã nhận được sự gia tăng tín nhiệm tạm thời từ người dân Mỹ.

Một cuộc khảo sát hồi tháng 5 do Washington Post và Trung tâm Nghiên cứu Pew phối hợp tiến hành ngay sau khi Bin Laden bị tiêu diệt cho thấy, tỷ lệ ủng hộ việc làm của ông Obama ở mức 56% - cao hơn 9 điểm so với một cuộc thăm dò ý kiến một tháng trước đó. 

Tuy nhiên, cũng cuộc khảo sát đó cho thấy gần như không có một sự dịch chuyển tích cực nào dành cho Obama về cách ông giải quyết các vấn đề kinh tế - yếu tố chính trong suy nghĩ của hầu hết các cử tri - và thậm chí những lợi ích chính trị lớn hơn dành cho đương kim Tổng thống Mỹ từ cái chết của Bin Laden cũng tụt giảm. Trong cuộc thăm dò mới nhất của Washington Post và ABC News cho thấy con số tín nhiệm dành cho ông chỉ ở mức 42%. 

"Nếu ông Obama chỉ có được một cú huých nhỏ và nhanh chóng từ cái chết của Bin Laden thì cái chết của Gaddafi cũng không phải là vấn đề khi chúng ta phát kẹo vào tháng 10 này, càng ít hơn vào tháng 10 năm sau", trích lời Glen Bloger, một người thăm dò ý kiến của phe Cộng hòa, người có công ty đang làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của cựu thống đốc bang Massachusetts, ông Mitt Romney. "Cuộc bầu cử này là về chuyện người Mỹ mất việc làm hơn là về việc Gaddafi mất đầu".

Xem xét các cuộc thăm dò ý kiến gần đây nhất thì thấy đúng là người Mỹ đang đặc biệt tập trung vào kinh tế. 

Một cuộc khảo sát trong tháng này của Washington Post và ABC News cho thấy, 51% số người tham gia nói rằng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ đang phải đối mặt, trong khi chỉ có 1% nêu "chính sách ngoại giao".

Tại một loạt các cuộc tranh luận ứng viên Tổng thống gần đây của Đảng Cộng hòa, chính sách ngoại giao là thứ yếu khi các ứng viên tranh luận về các vấn đề chính sách trong nước như tạo việc làm và cải cách luật nhập cư. 

Lịch sử cũng cho thấy, vào các thời điểm khủng hoảng kinh tế, những chiến thắng về chính sách ngoại giao có xu hướng đóng vai trò thứ yếu trong các chiến dịch vận động. 

Sau khi kết thúc Cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush được coi là vô địch. Nhưng kinh tế yếu kém, Bill Clinton đã nổi lên và cụm từ "Kinh tế mới là chìa khóa, ngốc ạ" mãi mãi chiếm được một chỗ trong từ điển chính trị. 

Người thăm dò ý kiến của phe Dân chủ, Fred Yang, lập luận rằng kể cả chuyện Gaddafi không phải là một yếu tố làm thay đổi cuộc chạy đua 2012 thì nó vẫn càng chứng tỏ tài năng lãnh đạo của ông Obama. 

"Tin tốt, dù là ở nước ngoài, cũng luôn tốt đối với một người đương nhiệm trong những thời khắc khó khăn này", Yang nói. "Điều đó sẽ giúp cho Tổng thống - và ngay cả khi tác động của sự kiện đặc biệt này qua đi, nó vẫn thêm một mảnh ghép tích cực vào vai trò của Tổng thống như một vị tổng tư lệnh".

Thanh Hảo (Theo Washington Post)