Khi NATO chấm dứt chiến dịch Libya, có bao nhiêu dân thường đã phải bỏ mạng trong các cuộc không kích của liên minh quân sự này? Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được.

TIN BÀI LIÊN QUAN



NATO khẳng định họ thận trọng tối đa để tránh thương vong cho dân thường Libya nhưng giới quan sát cho rằng tác động này là khó tránh khỏi. 

Có một câu nói nổi tiếng, được cho là của Mark Twain, rằng có "ba loại nói láo: nói láo, nói láo khốn kiếp và số liệu thống kê".

Trong chiến tranh, xác minh sự thật thậm chí còn khó hơn nhiều. 

Về sứ mệnh kéo dài 7 tháng của NATO ở Libya, chỉ có vài thống kê đáng tin cậy. Không ai thực sự chắc chắn, ít nhất là đến lúc này, cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của bao nhiêu người. 

Các ước tính về con số tử vong - trong đó có cả các lực lượng ủng hộ Gaddafi, quân "nổi dậy" và dân thường - hiện nay khác biệt rất lớn, từ 2.000 tới 30.000 người. 

Do được Liên Hợp Quốc ủy nhiệm để thực hiện sứ mệnh trên bầu trời Libya nhằm "bảo vệ người dân", NATO luôn luôn khẳng định họ đã thận trọng hết mức có thể để tránh thương vong cho dân thường. Liên minh này nói rằng trong số các biện pháp đề phòng có sự giám sát 24/24 từ trên không nhằm xác định "các mẫu cuộc sống" để chắc chắn dân thường không bị tấn công. 

Một số dịp, các cuộc không kích theo kế hoạch đã bị hủy vào phút chót do lo ngại dân thường có thể đang nằm trong các mục tiêu quân sự hợp pháp.

"Những kẻ sát nhân"

Để tránh làm hỏng nhiệm vụ, NATO cũng dựa nhiều vào các loại vũ khí "chính xác" - bom và tên lửa gây "thiệt hại phụ thấp" do laser hoặc hệ thống GPS dẫn dường. 

Thống chế Không lực Hoàng gia Anh, Sir Stephen Dalton, phát biểu trước các nghị sĩ nước này hồi tuần trước rằng những vũ khí đó "hoạt động tốt vượt mức dự đoán". Trong một ví dụ, hơn 98% các tên lửa Brimstone do máy bay của Không lực Anh phóng đã bắn trúng thẳng mục tiêu. Vài quả không nhắm trúng đã đáp xuống trong vòng vài thước.

Nhưng NATO không chỉ sử dụng các loại đạn chính xác. 

Các máy bay tấn công mặt đất Apache của Quân đội Anh - được sử dụng vào giai đoạn sau của chiến dịch - đã bắn khoảng 4.000 viên đạn từ súng đại bác 30mm. Đây là một vũ khí được thiết kế để tạo ra một cung lửa, và khi sử dụng ở Afghanistan đã gây ra một số thương vong cho người dân.

Tuy nhiên, một lần nữa, không có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh những chiếc Apache được dùng ở Libya đã cướp mạng sống của dân thường. 

Trong suốt chiến dịch ở Libya, NATO thừa nhận có một "sự cố" về vũ khí. Ngày 19/6, thông tin cho biết một số dân thường đã thiệt mạng khi tên lửa nã vào các tòa nhà ở Tripoli. Một phát ngôn viên của liên minh quân sự này sau đó thông báo "một hệ thống vũ khí tiềm ẩn đã trục trặc và điều này khiến cho vũ khí không đánh trúng mục tiêu cần nhắm tới". 

Khi đó, NATO cũng phản bác các tuyên bố của chính phủ Gaddafi rằng dân thường là nạn nhân các cuộc không kích của họ. 

Được biết, một cuộc tấn công nhằm vào nơi mà NATO khẳng định là một trung tâm kiểm soát và điều khiển ở Surman ngày 20/6 đã giết chết 2 đứa trẻ và mẹ của các em. Chính đợt oanh kích này đã khiến đại tá Gaddafi lên sóng phát thanh gọi NATO là "những kẻ giết người và những kẻ man rợ".  

Các tuyên bố của chính quyền Libya lúc đó rằng NATO đã giết hại hàng trăm dân thường đã trở thành một phần trong chiến dịch tuyên truyền của ông Gaddafi nhằm ngăn chặn chiến dịch không kích của liên quân.

Vào giữa tháng 7, văn phòng y tế Libya khẳng định các cuộc không kích đã cướp mạng sống của 1.108 thường dân và làm bị thương 4.500 người. Tuy nhiên, một lần nữa, không ai có thể chứng thực được những con số này.
 
"Giết chóc trả thù"

Không ai trong NATO có thể chứng minh các cuộc không kích của tổ chức này không gây thương vong cho dân thường. Hầu hết chiến sự xảy ra ở các khu vực nhà cửa chen chúc và một chiến thuật của lực lượng trung thành với Gaddafi là trà trộn vào dân chúng. 

Quy mô đầy đủ của chiến dịch ném bom của NATO - với 9.658 chuyến xuất kích tấn công - cho thấy thương vong trong dân thường là khó tránh khỏi. Chỉ riêng Anh - tiến hành 1/5 tổng số các chuyến bay tấn công - đã bắn 1.420 vũ khí được dẫn đường chính xác, và nã trúng hơn 600 mục tiêu.  

Vào tháng 9, Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, một nhóm cố vấn độc lập, ước tính "khoảng 50-100 thường dân đã bỏ mạng vì các cuộc không kích trong 6 tháng của chiến dịch". Tuy nhiên, Viện này cho biết thêm rằng các con số (về thương vong dân thường) rất khác nhau". 

Đã hơn 20 năm trôi qua sau chiến dịch ném bom của NATO ở Kosovo, vẫn không có một số liệu chính xác nào về số thường dân thiệt mạng. Các ước tính nằm trong khoảng từ 200 người đến 500 người.  

Nhiều khả năng ở Libya, phần lớn thương vong dân thường là do chiến sự trên bộ giữa quân nổi dậy và lực lượng ủng hộ Gaddafi gây ra. 

Đã có nhiều báo cáo với dẫn chứng sinh động về các vụ giết chóc trả thù từ cả hai phía. 

NATO nói rằng họ không có nhóm nào trên mặt đất để mà đánh giá tác động của các cuộc không kích đối với dân thường.

Các tổ chức như Ân xá Quốc tế hay Giám sát Nhân quyền vẫn đang cố gắng đánh giá mức độ của tác động này - trong đó có việc kiểm tra những ảnh hưởng của chiến dịch oanh kích của NATO. 

Nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều năm họ mới vẽ ra được một bức tranh về điều gì đã thực sự xảy ra. Nhưng thậm chí khi đó, những số liệu được đưa ra sẽ vẫn là chủ đề gây tranh cãi. 

Thanh Hảo (Theo BBC)