Hơn 40 người Hàn Quốc tự vẫn mỗi ngày và chính phủ ở Seoul công nhận đây là một vấn đề cần giải quyết cấp bách.

TIN BÀI KHÁC:


Sinh viên Học viện Công nghệ và Khoa học tiên tiến Hàn Quốc thắp nến tưởng nhớ bạn của họ tự tử ở Daejeon ngày 10/4/2011. Sau khi tới gặp bác sĩ tâm lý, một sinh viên toán 19 tuổi của trường đã nhảy lầu tự vẫn vì bị điểm thấp. (Ảnh: AP).

Tổng đài Các dịch vụ khẩn cấp Seoul là một boongke không có cửa sổ, bị che khuất giữa các sườn đồi Namsan rậm rạp. Đó từng là trụ sở cơ quan tình báo Hàn Quốc. Giờ đây, nó là nơi các cuộc gọi khẩn cấp của thành phố đổ về: thông báo về tai nạn giao thông, tội phạm, và các vụ tự tử. 

Theo chính phủ Hàn Quốc, có tới hơn 40 người dân nước này tự tử mỗi ngày - nhiều gấp 5 lần so với thời cha mẹ họ.

Cần giải pháp nền tảng

Các nhân viên tổng đài cho biết, các cuộc gọi từ những người muốn tự tử - hoặc chứng kiến sự việc này - ngày càng tăng. Trên các màn hình lớn hiện ra chi tiết của tất cả các cuộc gọi theo cột tên của người trực. Họ ngồi giữa những bảng đèn màu và thiết bị liên lạc. Có một tiếng ồn phát ra liên tục.  

Không lâu trước khi cuộc gọi tự tử đầu tiên xuất hiện. "Có một người định nhảy khỏi một tòa nhà", người gọi thông báo. "Và anh ta cầm một con dao trong tay". 

Một thành viên trong nhóm, Ki-jong Gwan, cho biết cả nhóm không được đào tạo chính quy để giải quyết các kiểu cuộc gọi như vậy. Tuy nhiên, các nhân viên thường chia sẻ bí quyết với nhau. 
 
"Tôi cho rằng có một hạn chế đối với những gì chúng tôi có thể giải quyết", Ki-jong Gwan bày tỏ. "Một vài trong số các cuộc gọi mà tôi nhớ là từ những người đã quyết định tìm đến cái chết và chỉ muốn yêu cầu thi thể của họ được chăm sóc". 

"Những người khác gọi tới xin lời khuyên về cách chết tốt nhất. Có một vài trường hợp chúng tôi phải can thiệp và giúp họ thôi tự tử. Nhưng tôi nghĩ cần phải có một giải pháp nền tảng hơn". 

Tại một bệnh viện tâm thần nhỏ ở Seoul, Jong-sun Woo đang bắt đầu một ngày mới trong phòng chung với 5 phụ nữ khác.

Jong-sun mới 21 tuổi. Cô đã định kết liễu cuộc sống của mình nhiều lần trong 10 năm qua, và giờ đây muốn sống trong bệnh viện, nơi cô đang được giúp đỡ và tư vấn. 

"Tôi không nhớ mình đã tìm đến cái chết bao nhiêu lần rồi", cô nói. "Có lẽ phải đến 20 lần, quá nhiều nên tôi chẳng nhớ nổi". 

Jong-sun kể rằng cô đã giấu kín những người xung quanh về tâm trạng phiền muộn của mình, và khi họ phát hiện ra những lần cô định tự tử, cả gia đình đều trách cô về tâm trạng đó. 

"Họ nói rằng ý chí của tôi yếu kém, và nếu tôi có thể cải thiện tinh thần, tôi có thể làm cho bản thân tốt hơn. Tôi cảm nhận được sự thất vọng rõ rệt. Tôi không nghĩ đó là lỗi của tôi, nhưng khi mọi người hành động như thế, tôi bắt đầu nghĩ có lẽ như vậy thật. Và cảm giác đó cứ luẩn quẩn". 

Jong-sun tin rằng chỉ có ít người hiểu biết thật sự về bệnh tâm thần ở Hàn Quốc, bất chấp tỷ lệ tự tử liên tục tăng. Chỉ ở bệnh viện này, sau 10 năm, cô gái đã tìm được sự tư vấn cần thiết và bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Nhận thức bắt đầu được cải thiện và "tôi cho rằng thế là hơi muộn một chút", cô tâm sự. 

Chủ đề cấm kị

Nhưng câu hỏi thật sự là tại sao nạn tự tử rút cục lại xảy ra ở một nước đang ngày càng giàu hơn, ổn định hơn và có uy thế hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử của họ?
 
Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới. Một nơi mà bạn có thể lướt Internet trên xe điện ngầm, khiêu vũ ở một câu lạc bộ salsa và mua một ly cà phê sữa thơm ngon trên đường đi làm. Thế nhưng người dân ở đây dường như ít hạnh phúc hơn so với những năm tháng đói khổ sau Chiến tranh Triều Tiên. 

Kang-ee Hong, một nhà tâm lý học trẻ em, cho biết, trong hơn 40 năm qua, các bậc cha mẹ Hàn Quốc đã bỏ qua các giá trị truyền thống để theo đuổi một mục tiêu đơn lẻ. 

"Ngay từ thời thơ ấu, tầm quan trọng của tiền và thành công đã được các bậc phụ huynh chú trọng, vì vậy, họ cảm thấy nếu không đạt điểm cao ở các bậc học và kiếm được việc làm tốt hay vào trường đại học danh tiếng có nghĩa là người con không thành đạt, và các ông bố bà mẹ cư xử như thể đó không phải là con họ", Tiến sĩ Hong cho biết.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã phải nỗ lực từ sáng sớm tới tối mịt, và thậm chí cả cuối tuần, để được vào trường đại học tốt nhất và cuối cùng là có được một việc làm lương cao. Áp lực đó cực kỳ lớn và triền miên, kéo dài nhiều năm liền. 

Theo Tiến sĩ Hong, đối với cha mẹ, áp lực khiến con cái phải chăm chỉ hơn nữa đã khiến họ tìm đến một bác sĩ tâm lý. Nhưng động cơ của họ lại sai lầm. 

"Họ tới tìm tôi để giúp con họ học hành chăm chỉ hơn", ông cho biết, "để đạt được điểm tốt hơn bằng cách điều trị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) - bởi vì điểm học quá quan trọng", Tiến sĩ Hong nói thêm.

Trên một cầu tàu cách trung tâm Seoul chừng hai giờ lái xe, Jong-sun Woo đang giúp lập các trò chơi và câu đố gần một khu vui chơi. Đây là nơi ưa thích của những người muốn tự tử và cảnh sát địa phương đã nhờ nhóm hoạt động của Jong-sun mở một chiến dịch đường phố nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần.

Quầy hàng thu hút một đám đông khá lớn. Tự tử vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở đây, nhưng có một sự tò mò thực sự trong dân chúng nhằm tìm ra nguyên nhân nào khiến người ta muốn chết. 

Mới đây, Quốc hội Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ hành động nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng này - tăng cường nhận thức của người dân theo cách chưa từng có trước đây. Và tiền bắt đầu được rót vào. 

Nhưng đây là một vấn đề phức tạp lại đang tăng nhanh trên khắp cả nước - với tỷ lệ cao nhất là ở các vùng nông thôn - và các nhà hoạt động cho biết sẽ không gì có thể giải quyết nhanh chóng được.

Thanh Hảo (Theo BBC)