Với hàng chục triệu người đi lại trong mùa di trú lớn nhất thế giới để đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết, khá nhiều người lo lắng vì phải chi tiêu quá nhiều trong suốt một tuần nghỉ lễ.



Lễ hội mùa xuân - Tết, bắt đầu vào 23/1, là lúc để về quê, là thời điểm mà lao động di cư ở mọi miền trở về quê hương hàng năm, hoặc vài năm một lần. Tuy nhiên, với Zhang Yaran, một kỹ sư phần mềm 27 tuổi ở Bắc Kinh, về nhà là một thách thức lớn với ví tiền.

Với Zhang, việc nghỉ ngơi là rất khó vì công việc của cậu rất bận rộn. Chuyến về quê ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc sắp tới của Zhang là lần đầu tiên trong vòng 2 năm.

"Về nhà vào dịp Tết, tôi sẽ gặp khoảng 20 người họ hàng và không thể không có quà cho họ", Zhang kể. Hầu hết những món quà mà người này đem về quê trong năm nay là đồ ăn nổi tiếng ở Bắc Kinh, và Zhang sẽ phải khoảng 1.500 NDT (238 USD).

Chàng kỹ sư phần mềm này sẽ tiêu thêm 2.000 NDT để mua áo len cho cha mẹ. "Dù các món quà là những mặt hàng bình thường ở các thành phố lớn thì chúng lại là món đồ rất tuyệt với những người sống ở các thành phố nhỏ".

Zhang kể, mình sẽ phải tiêu thêm 5.000 NDT tiền lì xì cho người già và trẻ em.

Lương hàng năm của Zhang hơn 120.000 NDT, gần như gấp đôi thời điểm người này kiếm được sau khi tốt nghiệp vào năm 2009. "Tuy nhiên, cuộc sống của một người di cư ở Bắc Kinh không hề dễ dàng. Tôi phải tiết kiệm vì gần như mọi thứ đều tăng giá. Như một khoản chi phí đặc biệt, số tiền bỏ ra để về quê vào dịp Tết thường quá cao", Zhang nói.

Zhang Yaran là một trong những công nhân "cổ trắng", di cư phải chịu sức ép tài chính.

Ở Trung Quốc có một câu nói, bất kể bạn giàu hay nghèo, hãy về quê vào dịp Tết. Phần lớn những người đi xa khi hồi hương thường đem quà về cho người thân trong gia đình.

Jia Gang, 35 tuổi, thợ mộc, người chuyên làm các đồ gỗ cao cấp cho một công ty ở Bắc Kinh đã mua hai chiếc máy mát xa, mỗi chiếc 500 NDT (80 USD) để cho bố mẹ và một cho bố mẹ vợ. Jia, thường về quê nhà ở Linfen, tỉnh Thiểm Tây, một năm một lần. Mỗi lần về, Jia cũng mua cho con trai nhiều quần áo. Tổng số tiền mà Jia dùng để mua quà là hơn 3.000 NDT.

Với Xu Yonggan, quà tết cho mọi người ở quê là hơn 40 chai rượu baijiu. Người đàn ông quê ở An Huy kể, "nhà tôi đầy người uống được rượu và tôi chắc chắn rằng họ sẽ dễ dàng uống cạn hết số rượu này trong những ngày Tết". Nói với phóng viên trong lúc chờ lên tàu cùng vợ và hai người bạn ở nhà ga Hongqiao tại Thượng Hải, Xu nói, tôi sợ rằng mấy chục chai rượu này cũng chẳng đủ". Vác theo hàng chục chai rượu là lý do mà Xu chọn đi tàu vì "họ sẽ chẳng cho tôi check in nếu đi máy bay".

Trong một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành trên mạng do Sina Weibo - một dịch vụ blog được ưa chuộng tiến hành, 40% số người trả lời nói, phải tiêu nhiều tiền là lo ngại hàng đầu của họ trong mùa lễ hội. Gần 8.000 người tham gia cuộc khảo sát.

Một số mối lo lớn khác của những người tham gia khảo sát là đi thăm viếng bạn bè, họ hàng, giao thông tắc nghẽn và sức ép phải kết hôn

  • Hoài Linh (Theo Beijing Times, Sina)