Các nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên sẽ sang New York vào tuần tới sau khi hai Mỹ - Triều đạt được thỏa thuận ngừng làm giàu hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực.

Glyn Davies - Đai diện của Mỹ thông báo kết quả đàm phán với Triều Tiên tuần qua
Hai nhân vật thạo tin về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên cho biết ông Ri Yong Ho có thể sẽ sang Mỹ vào tuần sau.

Các nguồn tin này đều đặt điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của các cuộc đàm phán, họ cho biết thêm đoàn đàm phán của Triều Tiên sẽ tham dự một diễn đàn an ninh tại Đại học Syracuse ở New York.

Theo thỏa thuận vừa đạt được hôm thứ Tư vừa qua, Mỹ sẽ viện trợ lương thực cho Triều Tiên (240.000 tấn) để đổi lại Triều Tiên sẽ ngưng việc làm giàu uranium và thử tên lửa tầm xa.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Triều Tiên đã đồng ý để cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử IAEA tới giám sát việc ngưng làm giàu uranium và xác nhận các lò phản ứng hạt nhân tạm dừng hoạt động tại Yongbyon.

Mỹ sẽ gặp Triều Tiên để hoàn thiện các chi tiết cho gói viện trợ đề xuất là 240.000 tấn lương thực.

Tại sao Triều Tiên nhượng bộ?
Đích đến mà Triều Tiên muốn trong việc nhượng bộ Mỹ không chỉ là vấn đề lương thực, mà còn là uy tín quốc tế của vị lãnh đạo trẻ, cũng như chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và sự sống còn với nền kinh tế của Bình Nhưỡng.
 

Triều Tiên cũng đưa ra một tuyên bố tương tự ở Bình Nhưỡng nhưng trong câu chữ lại có sự khác biệt.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết trong tuyên bố mà hãng thông tấn nhà nước đưa ra, thì Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc tới giám sát "cùng với quan điểm nhằm duy trì bầu không khí tích cực" cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều.

Thông báo này được đưa ra sau khi Mỹ và Triều Tiên tiến hành cuộc đàm phán vào cuối tuần qua tại Bắc Kinh. Đây là các cuộc đàm phán đầu tiên được nối lại sau một thời gian dài ngưng trệ do Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.

Trước khi Chủ tịch Kim mất, Mỹ và Triều Tiên gần đạt được một thỏa thuận đáp ứng được các điều kiện tiên quyết mà Mỹ đặt ra nhằm nối lại các cuộc đàm phán sáu bên bị trì hoãn suốt 3 năm trước đó.

"Mỹ vẫn có các lo ngại sâu sắc liên quan tới cách hành xử của Triều Tiên trong rất nhiều lĩnh vực rộng lớn khác, nhưng tuyên bố ngày hôm nay đã phản ảnh tầm quan trọng của tiến triển - dù còn hạn chế - đạt được trong việc giải quyết một số lo ngại đó" - tuyên bố của Mỹ sau sự kiện ngoại giao mang tính đột phá hôm thứ Tư vừa qua.

Tuyên bố này cũng nói rằng Mỹ xác nhận lại rằng họ không có ý định thù địch gì với Triều Tiên và họ "đã sẵn sàng tiến hành các biện pháp nhằm cải thiện quan hệ song phương trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau về mặt chủ quyền và bình đẳng".

  • Lê Thu (theo Irish Examiner)