Mỹ muốn Nga chuyển một thông điệp cho Iran: Tehran có cơ hội cuối cùng để đối thoại. Nếu họ bỏ phí cơ hội này, một cuộc tấn công sẽ chỉ là vấn đề của thời gian vài tháng.

Nguồn tin ngoại giao của Nga tiết lộ lời đe dọa đó là do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra trong cuộc họp với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov tại New York hôm thứ Hai vừa qua.

"Một cuộc tấn công có thể sẽ diễn ra từ giờ tới cuối năm. Phía Israel trên thực tế đã dọa ông Obama. Họ đã đặt ông ấy vào một vị trí rất thú vị - hoặc là ông ủng hộ cho cuộc chiến hoặc là ông sẽ mất đi sự vận động của người Do Thái" - nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ trên tờ nhật báo của Nga.

Cũng theo nguồn tin trên, Washington đã cho Tehran cơ hội cuối cùng để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình và muốn Moscow chuyển tải thông điệp đó. Iran phải tạo được bước tiến với nhóm P5+1 - bao gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức.

Nhóm này sẽ đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi với các quan chức Iran vào tháng Tư này. Thời gian và địa điểm chính xác của cuộc đàm phán vẫn còn đang được cân nhắc. Các nhà đàm phán muốn một sự minh bạch về khả năng quân sự hóa chương trình hạt nhân của Tehran. Họ cũng yêu cầu các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử IAEA sẽ phải được thanh sát khu vực hạt nhân tại Parchin.

Một cuộc thanh sát như vậy đã từng diễn ra vào năm 2005 và không phát hiện ra điểm đáng nghi nào. Nhưng giờ đây các nhà quan sát lại tin rằng Iran đang sử dụng tổ hợp quân sự để thử nghiệp công nghệ cần thiết để khởi động một thiết bị hạt nhân. Các giám sát viên của IAEA không được đến khu vực này trong chuyến đi gần đây nhất của họ, đúng lúc cáo buộc Iran có thể đã che dấu các bằng chứng về hành động thiếu minh bạch của mình. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc trên và hứa sẽ để cho các thanh sát viên tới đó.

Khi được hỏi về thứ được gọi là "tối hậu thư" của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã chỉ trích giọng điệu về "cơ hội cuối cùng".

"Nói kiểu đó thật không chuyên nghiệp. Chẳng có cái gì được coi là cơ hội cuối cùng. Đây là một vấn đề về ý chí chính trị, và Nga làm tất cả mọi việc để thúc đẩy nguyện vọng đó thay vì để cho nó trôi qua" - ông Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao cũng nói thêm rằng xu hướng bất lợi trong xung đột này đang hiện hữu, và ám chỉ rằng: 'những ai đang muốn sử dụng lực lượng quân sự nên tự kiềm chế bản thân và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao"

"Một cuộc chiến chẳng giải quyết được vấn đề gì, nhưng sẽ tạo ra hàng triệu rắc rối mới" - ông Ryabkov cảnh báo.

Cân nhắc khả năng chiến tranh

Khi hành động quân sự có nhiều khả năng được xem xét thì Nga lại chuẩn bị một kế hoạch phòng bị cho tình huống bất trắc. Các cơ quan thi hành quân sự và luật pháp đã dốc sức cho khả năng có một dòng người tị nạn tràn qua các nước láng giềng, và có thể cả ở miền nam nước Nga. Các chi tiết cụ thể của kế hoạch này vẫn là bí mật, nhưng sự tồn tại của nó đã được các nguồn tin quân sự và dân sự xác nhận.

Moscow không chỉ lo ngại về thảm họa nhân đạo mà cuộc chiến ở Iran có thể gây ra đối với các biên giới miền nam nước Nga.

Bên cạnh đó là các lo ngại là cuộc chiến có thể khơi lại các xung đột cũ trong khu vực, chẳng hạn như là giữa Armenia và Azerbaijan về vấn đề Nagorno Karabakh.

"Chúng tôi có thể sẽ phải phong tỏa một số hành động thâm nhập. Điều đó có thể gây thương vong cho các binh sĩ của chúng tôi" - một nguồn tin bên trong quân đội Nga cho biết.

Trong khi đó, tại Israel lại dấy lên các bất đồng với giọng điệu mang đầy tính hăm dọa của chính quyền. Người dân Israel lo ngại các hậu quả có thể phải hứng chịu nếu như Tel-Aviv chọn cách tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

"Chẳng có lý lẽ gì để tấn công Iran cả. Nhưng chúng tôi có một chính quyền đã từng làm những điều phi logic. Và điều đó thật sự đáng sợ" - Sharon Dolev, một nhà hoạt động từ Phong trào Giải giáp vũ khí Israel nói.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói trong suốt chuyến thăm của ông tới Mỹ rằng Israel sẽ đơn phương quyết định thời điểm tiến hành hành động quân sự chống lại Iran. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng nói với ông Netanyahu về việc sử dụng các giải pháp ngoại giao mà ông cho là khả thi hơn.

Israel tin rằng Iran đang cố gắng chế tạo vũ khí hạt nhân dưới danh nghĩa của chương trình hạt nhân dân sự. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc này, và khẳng định rằng các hoạt động hạt nhân này đều vì mục đích hòa bình. Tất cả mọi bằng chứng về tham vọng hạt nhân của Iran vẫn còn rất mang nặng tính chất suy diễn.

Lê Thu (theo RT)

Nga hủy hợp đồng tên lửa trăm triệu đô với Iran
Nga khẳng định không có kế hoạch nối lại thương vụ bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran trị giá 800 triệu USD.
 
Mỹ gia hạn lệnh trừng phạt Iran
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một lệnh nhằm gia hạn thêm lệnh trừng phạt đã áp dụng từ năm 1995 nhằm vào Iran.
 
Mỹ phát hiện hình ảnh cơ sở hạt nhân Iran
Một chuyên gia vũ khí Mỹ tuyên bố đã xác định được một tòa nhà tại căn cứ quân sự Parchin ở Iran, nơi bị nghi ngờ có phòng thử chất nổ có sức công phá lớn.