Triều Tiên dự kiến phóng tên lửa, một động thái khơi dậy lo lắng của cộng đồng quốc tế, vốn coi đó là bình phong cho một vụ thử tên lửa tầm xa.



Giới chức Triều Tiên tuyên bố, tên lửa mới Unha-3 của nước này sẽ phóng một vệ tinh quan sát trái đất vào quỹ đạo trong thời gian từ 12-16/4 để chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập đất nước Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về bản chất vụ phóng và công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Trang SPACE.com đã đưa ra 5 câu hỏi lớn và một số câu trả lời về vụ phóng sắp diễn ra của Triều Tiên.

Là tên lửa phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?

Nó còn tùy thuộc vào người mà bạn đặt câu hỏi. Quan chức Triều Tiên nói, tên lửa Unha-3 là một thiết bị phóng vào vũ trụ tự động, có thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Nó là một tên lửa 3 giai đoạn và là loại mới nhất của tên lửa Unha. Các quan chức ngành vũ trụ Triều Tiên cho biết, tên lửa trên cho thấy thành tựu kỹ thuật của nước này.

Các nhà quan sát ở Mỹ, Nhật và Hàn Quốc nói, vụ phóng Unha-3 là ngụy trang cho một vụ thử tên lửa đạn đạo, và nhằm xác nhận công nghệ vũ khí quân sự.

Việc Triều Tiên công bố kế hoạch vụ phóng vào tháng 3 được coi là một hành động khiêu khích gây ngạc nhiên do nước này đã đồng ý với Mỹ về việc ngừng các vụ thử tên lửa trong tương lai để đổi lấy viện trợ lương thực.

Sứ mệnh của tên lửa là gì?

Tên lửa Unha-3 cao khoảng 30m và sẽ cất cánh từ một điểm phóng mới gần ngôi làng Tongchang-ri ở tây bắc Triều Tiên. Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA gọi bãi phóng là Trạm phóng vệ tinh Sohae ở tỉnh Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan. Địa điểm phóng cách thành phó Dandong, ở biên giới Trung Quốc khoảng 50km.

Theo giới chức Triều Tiên, tên lửa Unha-3 sẽ phóng một vệ tinh tên là Kwangmyongsong-3 và sẽ giám sát tài nguyên rừng, các thảm họa thiên nhiên, hỗ trợ lên kế hoạch mùa màng và giám sát thời tiết.

Phim và hình ảnh của vệ tinh Kwangmyongsong-3 xuất hiện trên hàng loạt bản tin của giới truyền thông cho thấy, đó là một con tàu chạy bằng năng lượng mặt trời, kích cỡ bằng một chiếc tủ nhỏ.

Đường bay của tên lửa sẽ hướng về phía nam, giai đoạn đầu của tên lửa sẽ rơi xuống Hoàng hải và giai đoạn thứ 3 sẽ rơi xuống đại dương, đâu đó ở gần Philippines.

Giới chức Hàn Quốc thề sẽ bắn hạ mọi mảnh vụn của tên lửa Triều Tiên nếu thấy nó có thể rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc.

Khó khăn với tên lửa Triều Tiên trên đường vào quỹ đạo

Ngoài những trở ngại về kỹ thuật, vị trí của Triều Tiên trên trái đất khiến nó trở thành một nơi đặc biệt đòi hỏi khéo léo để có thể phóng tên lửa vào không gian. Triều Tiên nằm ở vĩ độ 39,4 độ bắc của xích đạo. Địa điểm phóng càng gần xích đạo, thì nó càng dễ đưa trọng tải vào quỹ đạo vì lực đẩy được tăng lên từ tốc độ quay của trái đất. 

Do ở xa xích đạo, khoảng 4.300km, so với 3.100 km tại bệ phóng của NASA ở Cape Canaveral, Florida (Mỹ) sẽ khiến tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên gặp khó khăn trong việc chạm tới các khu vực nằm trên mặt cắt nghiêng của quỹ đạo mà các quốc gia khác đang khai thác.

Ngoài ra, Triều Tiên tương đối gần Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và Philippines nên sẽ khó tìm ra một tầm bay sạch qua biển. Một tầm bay sạch là vô cùng quan trọng để tránh gây tổn hại trên mặt đất nếu vụ phóng không thành.

Vụ phóng có cơ may nào thành công không?

Do đây là lần phóng đầu tiên của tên lửa Unha-3 nên việc đoán nó thành công hay thất bại là rất khó. Tuy nhiên, hai lần phóng vệ tinh trước đây của Triều Tiên đều thất bại, không vào được quỹ đạo.

Năm 1998, Triều Tiên phóng tên lửa Taepodong-1 dài 25m, thực chất là một tên lửa chuyển đổi, mang theo vệ tinh nhỏ Kwangmyongsong-1. Trong khi giới chức Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng vệ tinh đã thành công - chạm tới quỹ đạo và phát các bài hát ái quốc thì giới quan sát phương Tây lại kết luận vụ đó đã thất bại.

Tháng 4/2009, Triều Tiên lại một lần nữa thử phóng vệ tinh, lần này gọi là Kwangmyongsong-2. Tên lửa phóng vệ tinh này là một phiên bản tiên tiến của tên lửa Taepodong 2 nhưng nó rốt cuộc đã đâm xuống Thái Bình Dương, giới phân tích phương Tây nói. Dường như giai đoạn 3 của tên lửa không cháy như dự kiến, các phân tích vào thời điểm đó cho thấy. Tuy nhiên, cũng như năm 1988, Triều Tiên vẫn khẳng định vụ phóng thành công.

Triều Tiên sẽ thông báo việc phóng thành công hay thất bại như thế nào?

Nếu tên lửa phóng không thành công, những gì diễn ra từ trước cho thấy, thông báo thất bại sẽ được phát ra từ các nhà quan sát bên ngoài chứ không phải qua các kênh chính thức của Triều Tiên.

Sau khi vụ phóng năm 2009 thất bại, kết quả được công bố từ các nhà phân tích độc lập. Trong khi quan chức Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng thành công thì các quan sát viên bên ngoài cho rằng, chả có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ vệ tinh nào đã vào quỹ đạo

Nếu tên lửa Unha 3 thành công trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo, nước này sẽ có thông báo chính thức.

Trong một động thái chưa từng có, Triều Tiên đã mở cửa điểm phóng với các phóng viên nước ngoài trong những ngày gần đây, mở ra một cánh cửa hé về những tiến bộ trong công nghệ của nước này cũng như về nơi thực hiện chương trình không gian. Hiện vẫn chưa rõ vụ phóng sẽ được công bố trước hay truyền hình trực tiếp trên tivi không vẫn còn chưa biết.

  • Hoài Linh (Theo Space)