Tất cả mọi con mắt ở châu Âu đều đổ dồn về Francois Hollande - ứng cử viên của phe Xã hội vừa thắng cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới.


 
Francois Hollande

Nhà kỹ trị trở nên tự tin hơn và ra dáng Tổng thống hơn trong suốt chiến dịch tranh cử, và bổ khuyết cho các nhược điểm trong phần hùng biện của mình bằng cách tỏ ra thân thiện với công chúng hơn. Nhưng ngay cả những người bạn của ông đều nói rằng ông là người khó mà hiểu thấu cho hết.

Với chiến thắng trong vòng 1, Hollande nói rằng: ngay cả Tổng thống Francois Mitterrand cũng không được số phiếu cao như ông. Nhưng nếu ông có cảm thấy thỏa mãn, thì ông cũng cất giấu dáng vẻ đó khá kỹ. Ông nhớ rất rõ cái ngày mà ông từ chức lãnh đạo đảng của mình ba năm rưỡi trước. Đồng nghiệp cũ (kiêm vợ cũ) của ông là bà Segolene Royal đã thua trong cuộc bầu cử năm 2007 trước Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy, và đảng Xã hội sau đó gần như đã bị chia rẽ. Vào lúc đó, sẽ thật là ngớ ngẩn nếu như ai đó nghĩ rằng ông Hollande lại có thể trở thành tổng thống. Còn giờ đây, bà Royal bất đắc dĩ phải tham gia chiến dịch cho chồng cũ.

Các cuộc thăm dò trước đó đều dự liệu rằng ông Hollande chắc thắng trong vòng đấu loại trực tiếp hôm Chủ nhật vừa qua. Và thắng cử tức là ông Hollande sẽ trở thành ứng viên phe Xã hội thứ hai sau Tổng thống Francois Mitterrand trở thành Tổng thống Pháp trong nền Cộng hòa thứ Năm.

‘Những khoảng bí hiểm’

Francois Holland trở thành Tổng thống Pháp, điều đó cũng có nghĩa là Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ phải đọ sức với một đối tác mới tại châu Âu – người từng tuyên bố rằng sẽ chấm dứt chính sách ‘thắt chặt chi tiêu’ của bà và rằng ông muốn châu Âu tăng trưởng để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nần. Kỳ bầu cử này của ông Hollande thật sự quan trọng với toàn bộ cả lục địa già đang khốn đốn vì nợ, và điều đó khiến cho việc tìm hiểu Francois Hollande là ai trở nên đặc biệt quan trọng.

Nhưng điều kỳ cục là cho tới khi cả chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp sắp tới hồi kết, hầu như chẳng mấy ai hiểu rõ về con người Hollande và có thể trông chờ điều gì từ ông. Thậm chí với cả người bạn thân của ông Hollande là Poignant ở Brittany có lúc cũng không hiểu nổi bạn mình. “Tôi có cùng cảm giác giống ông ấy. Ông ấy có một khoảng bí hiểm như vậy. Ông ấy thường như vậy”.

Trong suốt cả chiến dịch, và cả những ngày trước và sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, Hollande đã nổi lên như một ứng viên hoàn hảo một cách kỳ lạ. Không có một điều gì khiến ông khinh suất, và cho dù rất tự chủ như vậy, ông vẫn là một người dễ mến.

Các công việc hàng ngày của ông thật quá sức người. Suốt hàng tháng trời ròng rã, mỗi ngày của ông đều bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào đêm muộn. Đôi khi ông tới thăm cả 3 thành phố chỉ trong vòng 1 ngày, và gần cuối ngày, khi cánh phóng viên đi cùng ông mệt mỏi rã rời thì trông ông vẫn hoạt bát và khoan khoái lạ thường.

Điều khiến ông nổi bật nhất trong vai trò là một chính trị gia, có lẽ đó là khả năng thể hiện sự đồng cảm. Hollande có vẻ như cảm nhận được những gì mà mọi người muốn lắng nghe. Thứ Tư tuần trước, khi ông nói chuyện với các công nhân sắp mất việc trong nhà máy ở thành phố Montataire, miền bắc nước Pháp, ông nói: “Tôi đang ở đây. Nhưng tới đây thì dễ rồi. Còn lúc trở về mới là điều quan trọng!”. Người đàn ông ban đầu chào đón ông bằng ánh mắt nghi hoặc, ngay sau đó đã gật đầu.

Sau đó, ông ngồi trong một quán café ở thành phố Amiens cũng ở miền bắc nước Pháp, cùng với các học sinh trung học và đại học. Họ lo lắng về tương lai, và ông nói rằng ông hiểu điều đó, ở độ tuổi đó, họ muốn được đứng vững trên đôi chân của mình. “Các bạn muốn độc lập. Tôi hiểu”. Và những cử tri trẻ tuổi gật đầu.

Nhà kỹ trị 'luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu'

Nếu mọi người cảm nhận được rằng bạn hiểu họ, thì đó thật là món quà dành cho bạn. Hollande có nó, còn Sarkozy thì không. Bởi ông Sarkozy cho rằng tương tác với công dân là một gánh nặng. Chẳng hạn, trong suốt chuyến thăm các nhà máy, ông Hollande trò chuyện vui vẻ với các công nhân. Trông ông hoàn toàn thư thái, thậm chí ngay cả khi ông khoát tay về phía sau để lộ ra các khuỷu tay.

Điểm yếu của ông chính là về cơ bản, ông là một nhà kỹ trị, tức là một người đàn ông của những con số. Điều này thường thể hiện rõ trong các cuộc phỏng vấn và bài phát biểu của ông. Ông rất giỏi thể hiện cảm xúc của mình trong các bài diễn văn, và làm gợi lên trong ký ức của người Pháp những hình dung về quá khứ, di sản của Cách mạng Pháp, thời kỳ Kháng chiến và chủ nghĩa xã hội. Nhưng sau đó ông lại lún vào các chi tiết của bản cương lĩnh của mình. Trông ông có vẻ nghiêm nghị, nhưng lúc đó, ông lại thiếu khả năng khơi cảm hứng cho mọi người.

Hollande không có quản lý truyền thông riêng cho chiến dịch. Tự ông quản lý cả chiến dịch truyền thông cho mình trong quá trình tranh cử, chiến lược của ông rất đơn giản: làm sao để có phong thái lãnh đạo hơn cả vị lãnh đạo hiện thời của đất nước. Để đạt được điều này, ông đã liên hệ tới cựu Tổng thống Francois Mitterrand.

Khi diễn thuyết, cách nói và các cử chỉ của Holland đều y chang của người tiền nhiệm Mitterrand. Và dường như trong khoảnh khắc bí hiểm đó, ông hiện diện cứ như thể là Mitterrand tái sinh. Ông cũng tự nhận thấy mình ở trong một hoàn cảnh chiến lược tương tự như thời Mitterrand đánh bại Valéry Giscard d'Estaing vào năm 1981. “Lúc đó, người lãnh đạo cũng xoáy vào nỗi lo ngại đối với cánh tả, trong khi Mitterrand lại nhấn mạnh vào hy vọng” – ông Hollande nói.

Chẳng có ai dám chắc chắn rằng Tổng thống Hollande sẽ là người như thế nào. Ông được coi là người thực dụng, và nhiều người cho rằng ông có thể song hành với Thủ tướng Đức Angela Merkel còn ‘hợp cạ’ hơn so với những phỏng đoán hiện nay. Nhưng cho dù ông được coi là người trung tả tại Pháp, thì thế giới quan của ông lại mang nặng tính ‘cánh tả truyền thống’.

Đối với ông Hollande, tăng trưởng là thứ rốt cuộc phải do nhà nước – hoặc châu Âu và ngân hàng trung ương của châu Âu. Ông nói rằng ông ủng hộ ‘một ngân sách nghiêm túc, nhưng phản đối việc thắt chặt chi tiêu trong thời gian dài’. Tuy vậy, cương lĩnh của ông lại chứa đựng rất nhiều ý tưởng đắt đỏ, tổng cộng lên tới 20 tỉ euro (26 tỉ USD) bên cạnh mức chi tiêu hiện thời. Liệu ông Hollande đủ sức để cải cách nước Pháp từ dưới lên hay không, hoặc liệu ông có thể trở thành một Chirac ‘cánh tả’ hay không – theo kiểu nhiếp chính thụ động, tất cả vẫn còn phải chờ xem.

  • Lê Thu (theo Tấm Gương)