Nếu như trước kia, các bà nội trợ Nhật Bản chỉ phải ở nhà chăm con và lo việc bếp núc thì ngày nay, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, họ cũng phải ra ngoài kiếm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

TIN BÀI KHÁC:


Kinh tế khó khăn, các bà nội trợ Nhật cũng phải "bước chân ra khỏi căn bếp" để kiếm việc làm.

Sawako Yoshimura (tên nhân vật đã được thay đổi), một bà nội trợ 37 tuổi tại quận Okayama, năm ngoái, đã quyết định kiếm một công việc làm thêm để giúp trả khoản nợ của gia đình. Cô có thể làm bất cứ việc gì, miễn là giờ làm việc không trùng với thời gian cô phải chăm sóc cho hai đứa con của mình.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như Yoshimura nghĩ bởi rất nhiều người cũng đang đi tìm một công việc bán thời gian, lương thấp, không cần kỹ năng như cô. Sự suy giảm của nền kinh tế đã khiến những việc làm toàn thời gian trở nên khan hiếm.

Yoshimura lựa chọn các công việc phù hợp trên tạp chí và gửi 20 đơn xin việc tới các nhà tuyển dụng. Mặc dù đã được gọi đi phỏng vấn 10 lần nhưng Yoshimura vẫn không có được việc làm. Cô phát hiện ra rằng mình không hề có cơ hội khi những đối thủ của cô là những phụ nữ trẻ, độc thân và những người đàn ông trung niên sẵn sàng làm việc cả ngày. Một hiệu thuốc hay một siêu thị thực phẩm không phải là nơi phù hợp với một bà nội trợ còn bận rộn với con cái.

Một cuộc khảo sát hồi tháng Hai của Văn phòng Nội các chính phủ cho thấy thị trường lao động bán thời gian cũng đang trở nên căng thẳng tới mức nào. Từ tháng 10-12/2011, đã có 18,34 triệu người, từng được tuyển dụng theo hợp đồng cụ thể về thời gian hoặc nhân viên tạm thời, trong đó hầu hết là các bà nội trợ, nộp đơn vào các trung tâm môi giới việc làm của chính phủ.

Eiko Kato, 44 tuổi, đã bị một nhà máy sản xuất thực phẩm gần nhà ở Ibaraki sa thải vào năm ngoái. Cô làm việc 4 ngày một tuần tại dây chuyền sản xuất. Cô và những người khác đã bị đuổi việc sau khi nhà máy nhận thêm 30 nhân viên mới tới từ Pakistan và Bangladesh, những người sẵn sàng làm việc tăng ca và nhận lương thấp hơn người dân địa phương. Kato có 3 con đang trong độ tuổi đi học. Cô không đủ tiền để chi tiêu khi không có việc làm. Cô thường hay tới trung tâm giới thiệu việc làm Hello Work của chính phủ và nhờ những người quen ở đó giúp đỡ. Cuối cùng, Kato cũng tìm được một công việc tại một nhà hàng ở thị trấn bên cạnh. Để tới được nơi làm Kato phải đi khoảng 20 km và chi phí xăng xe cao khiến số tiền mà cô kiếm được cũng không đáng là bao. Tuy nhiên, vì là người quen giới thiệu, nên Kato cảm thấy cô không thể bỏ việc.

Kazumi Yamazaki, 50 tuổi, làm việc tại bộ phận máy móc của một nhà máy cho tới cách đây 2 năm, khi áp lực đồng yên tăng, công ty đã chuyển sản xuất sang Thái Lan. Yamazaki và hơn 100 người khác bị mất việc. Công ty giới thiệu họ với một nhà máy liên kết - cách 2 giờ đồng hồ đi xe - một khoảng cách không thể đối với một bà nội trợ đi làm. Công việc tốt nhà mà Yamazaki tìm được kể từ lúc đó là lấp chỗ trống tại các đám cưới với mức thu nhập 6.000 yên /ngày.

Ngoài làm tốt việc nhà và công việc bán thời gian các bà nội trợ Nhật vẫn luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng cho những lần nhảy việc tiếp theo.

Sầm Hoa (Theo japantoday)