Chính phủ Mỹ năm 2011 đã bỏ ra hơn 11 tỷ USD để bảo vệ các bí mật, tăng gấp đôi chi phí bảo mật so với cách đây một thập niên.



Số tiền trên không bao gồm chi phí phát sinh của CIA, cơ quan an ninh quốc gia và các cơ quan tình báo khác - vốn cũng phải tiêu tiền để bảo mật.

John Fitzpatrick, đứng đầu văn phòng giám sát an ninh thông tin, chịu trách nhiệm giám sát các nỗ lực bảo mật của chính phủ và đưa ra báo cáo hàng năm cho biết, những cơ quan trên sẽ còn tăng tổng chi tiêu thêm 'ít nhất 20%". Điều này cho thấy, tổng số tiền thực tế để bảo mật có thể là 13 tỷ USD, nhiều hơn toàn bộ ngân sách hàng năm của cơ quan bảo vệ môi trường.

Chi phí trên gồm cả điều tra những người nộp đơn xin sử dụng thông tin mật, các thiết bị như két sắt và máy tính đặc biệt, đào tạo nhân viên chính phủ và lương.

Số tiền bỏ ra cho hoạt động bảo mật đã tăng dần trong hơn một thập niên qua, xuất phát một phần từ việc mở rộng chương trình chống khủng bố sau vụ 11/9 cũng như tiếp tục bảo vệ những bí mật thời Chiến tranh Lạnh, vốn tồn tại cách đây nhiều thập niên. Tổng số tiền cho hoạt động này năm 2001 là 4,7 tỷ USD, cơ quan giám sát an ninh thông tin cho hay.

Báo cáo chi tiêu, cho thấy có sự gia tăng 12% từ 2010, được công bố vào thời điểm công chúng đang tranh cãi gay gắt về bảo mật và các thông tin mật bị rò rỉ. 6 quan chức chính phủ đã bị truy tố vì tiết lộ thông tin mật cho giới truyền thông dưới thời chính quyền Obama và hai vụ điều tra rò rỉ thông tin mới đang được tiến hành.

Nhóm chống bí mật WikiLeaks đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi lớn vào năm 2010 và 2011 khi thu nhận và tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu mật của chính phủ Mỹ.

Steven Aftergood, lãnh đạo Dự án về bảo mật của chính phủ cho Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ nhận xét, hiện thời Mỹ đang bảo mật quá nhiều thông tin, khiến sự đáng tin của hệ thống bảo mật suy sụp dưới sức nặng của các bí mật không có thật.

Chi phí bảo mật tăng một phần do việc giải mật chậm chạp. Nhiều tài liệu từ những năm 1960 vẫn được đóng dấu mật và các cơ quan vẫn thường xuyên phải tới tòa án để bảo vệ bí mật trong bối cảnh có nhiều vụ việc liên quan tới đạo luật Tự do Thông tin.

  • Hoài Linh (Theo NY Times)