Hơn 20.000 người phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực bùng phát giữa các tín đồ đạo Phật và các tín đồ Hồi giáo Rohingya ở miền tây Myanamar.

TIN BÀI KHÁC:


Bạo lực giáo phái ở miền tây Myanmar bùng phát kể từ tháng 5. (Ảnh: CNN)
Ashok Nigam, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết như vậy hôm 28/10. Trước đó, hai nhóm giáo phái nói trên cũng đã có những cuộc đụng độ làm ít nhất 64 người chết và hàng nghìn ngôi nhà bị đốt phá ở bang Rakhine thuộc miền tây.  

Xung đột tái diễn khi Hiệp hội Hồi giáo Toàn Myanmar, gồm 5 tổ chức Hồi giáo lớn, hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm Eid al-Adha, một kỳ lễ kéo dài 4 ngày. Hiệp hội này không đưa ra giải thích nào cho quyết định của mình, song người dân địa phương coi đây là một biện pháp đề phòng sau những ngày bạo lực gần đây.

Căng thẳng giữa những người theo đạo Phật và những người theo đạo Hồi Rohingya bùng phát kể từ tháng 5, khi bạo lực nổ ra sau vụ 3 người đàn ông Hồi giáo bị bắt vì bị nghi cưỡng hiếp và giết chết một nữ tín đồ đạo Phật. 

Hình ảnh vệ tinh mới mà Tổ chức Giám sát Nhân quyền có được cho thấy những gì mà tổ chức này gọi là sự phá hủy trên diện rộng các tòa nhà ở khu vực Rohingya thuộc thị trấn ven biển Kyauk Pyu. Theo tổ chức này, một vệt lửa kéo dài trên 24 hecta và bao gồm nhiều nhà thuyền cùng bè nổi. 

Chính phủ ở Myanmar "cần gấp rút đảm bảo an ninh cho người Rohingya... những người đang bị tấn công nguy hiểm", trích lời Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền. "Nếu các nhà chức trách không bắt tay vào giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực thì tình hình sẽ càng tồi tệ hơn". 

Bạo lực giữa người Rohingya và người theo đạo Phật đang là một phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Thein Sein, khi ông đang tìm cách hòa giải các nhóm dân tộc khác nhau ở Myanmar và đưa nước này tiến tới dân chủ hơn nữa. 

Chính quyền Thein Sein đã đưa thêm an ninh tới khu vực bất ổn và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Giữa tuần trước, văn phòng của Tổng thống cảnh báo rằng "những kẻ lôi kéo" đứng đằng sau bạo lực có thể sẽ bị truy bắt và khởi tố. 

Phát biểu trước Quốc hội hôm 26/10, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi kêu gọi một sự hiện diện an ninh nhiều hơn nữa và đề nghị các nhà chức trách điều tra những trường hợp nghi vi phạm nhân quyền. 

Thanh Hảo (Theo CNN)