Cả Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney đều không coi nghèo đói là trọng tâm của chiến dịch tranh cử. Không ngạc nhiên. Nghèo đói đã trở thành thứ gì đó kiểu như một vấn đề có hại đối với nhiều cử tri Mỹ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:



Hai ứng viên Tổng thống M không đề cập đến đói nghèo trong tranh luận của họ.

Một chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ không phải là thời điểm tốt nhất để có một cuộc tranh luận toàn diện về nghèo đói ở Mỹ.

Trong kỳ bầu cử sơ bộ, ứng cử viên Cộng hòa Newt Gingrich đã gọi Obama là "Tổng thống tem phiếu thực phẩm". Và đó không phải một lời khen. 

Mitt Romney sau đó nói với CNN: "Bạn có thể tập trung vào người rất nghèo. Đó không phải là trọng điểm của tôi".

Vậy Tổng thống Obama sẽ chọn nghèo đói là một mối quan ngại chính? Những cải cách về chăm sóc sức khỏe của ông là lịch sử. Nhưng khi diễn thuyết về chính trị, ông "có thể ngăn mình nói từ "nghèo", theo Bob Herbert thuộc trang web tin tức Mỹ - Phi theGrio.com.

Tất nhiên, điều này không có gì mới. Ứng viên Tổng thống Ronald Reagan đã đặt ra thuật ngữ "Nữ hoàng Phúc lợi" mang tính miệt thị vào năm 1976. Nhưng ở một thời điểm mà nước Mỹ vẫn đang cố gắng thoát khỏi những hậu quả của Đại Suy thoái - khi mà thất nghiệp vẫn xấp xỉ 8% và phe Cộng hòa cho rằng con số này thực tế còn cao hơn - tại sao nói về người nghèo lại có hại về mặt chính trị?

Trước tiên, đây là một vấn đề thuộc phép tính chính trị, theo các chuyên gia. Mặc dù tỷ lệ người sống dưới mức nghèo gần như ngang với tỷ lệ người Mỹ Hispanic (người Mỹ gốc Tây Ban Nha hay người châu Mỹ La tinh), nhưng không ai nhắc đến người nghèo là bởi vì xưa nay số lượng cử tri thuộc diện này đi bỏ phiếu rất thấp.

Hơn nữa, các ứng viên tổng thống chủ yếu tranh giành những lá phiếu chưa quyết định thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ vốn sẽ quyết định cuộc bầu cử. Tâm lý chung của người Mỹ là đề cao tinh thần tự vươn lên, chủ nghĩa cá nhân nghiêm khắc, nên những lời kêu gọi công khai vì người nghèo có thể sẽ cho có tác động trái ngược. 

Lần cuối cùng nghèo đói trở thành một vấn đề chính trong chính trị bầu cử Tổng thống Mỹ là thập niên 1960, khi Tổng thống Lyndon B. Johnson phát động một cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn quốc, và Robert Kennedy đã có chuyến thăm người nghèo ở Mississippi. Trong khi các chương trình cải cách y tế của Obama có thể có ảnh hưởng sâu rộng đối với người nghèo - và rõ ràng là được hoạch định để giúp đỡ họ - chúng lại được diễn tả bằng những cụm từ nhằm lôi kéo tầng lớp trung lưu. 

Một phần đó là bởi vì những thành tựu mà chính sách Xã hội Lớn của ông Johnson đã đạt được. Những chương trình này dẫn tới một sự giảm bớt ngoạn mục về tỷ lệ đói nghèo, xuống còn khoảng 14% vào những năm 1970. Tỷ lệ này không giảm kể từ đó nhưng cũng không tăng lên nhiều, có nghĩa là người nghèo tiếp tục là một phần của dân số. Tỷ lệ này hiện nay dao động từ 14 đến 16%. 

Bên cạnh đó, người nghèo thường đi bỏ phiếu với số lượng thấp hơn nhiều so với các nhóm khác, theo James Henson - một nhà khoa học chính trị tại Đại học Texas ở Austin. "Những người có thu nhập thấp ít có thời gian đi bỏ phiếu. Họ thường ít tham gia trực tiếp và ít có thông tin chính trị hơn", ông nói.

Sự tham gia bỏ phiếu trong số những người nghèo sẽ giảm hơn nữa nếu như các yêu cầu về thẻ căn cước của cử tri ở nhiều bang màu đỏ trở thành luật, Giáo sư Henson và các chuyên gia khác, cho biết.

Kết luận hiển nhiên cho các nhà chiến lược vận động tranh cử: Tại sao lại nhắm đến đến các lớp dân số bỏ phiếu ít hơn?

Nhưng một số nhà phân tích không cho rằng người nghèo đang bị bỏ qua. Sự khác biệt của họ chỉ là cách thức xóa đói giảm nghèo và những tác động của nó, theo David Winston, cựu trợ tá của Gingrich và giờ đây là Giám đốc công ty chiến lược Winston Group ở Washington. "Một phần giải pháp giảm nghèo của phe Cộng hòa là tăng trưởng kinh tế. Còn với đảng Dân chủ, họ đang tạo ra các chương trình chính phủ".

Nhưng các yếu tố tế nhị đan xen đã khiến cho thảo luận công khai về nghèo đói khó xuất hiện trong một chiến dịch tranh cử Tổng thống. 

"Người Mỹ có khuynh hướng coi nghèo đói là thất bại của cá nhân hơn là thất bại của xã hội", Michael Emerson - đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị Kinder và là một giáo sư xã hôi học tại Đại học Rice ở Houston - nhận xét. "Nước Mỹ được mô tả là nơi bạn có thể là bất cứ ai bạn muốn. Vậy, nếu bạn nghèo, thì hẳn là bởi vì bạn muốn như vậy". 

Quan điểm đó càng khắc sâu những định kiến về người nghèo, coi họ là lười biếng và xấu xa, khiến cho các ứng viên Tổng thống Mỹ đôi khi dùng người nghèo để cố ghi điểm về chính trị. Nếu người Mỹ "xem người nghèo là xấu xa thì một người có thể dựa vào đó để chiến thắng", ông Emerson đánh giá.

Bình luận "Nữ hoàng Phúc lợi" của Tổng thống Reagan là một ví dụ kinh điển. Những bình luận được bí mật ghi lại của ông Romney cũng tương tự, rằng 47% người Mỹ tin họ là "nạn nhân" và cảm thấy "được quyền" - mặc dù ông bác bỏ những bình luận đó. 

Tuy nhiên, có lẽ rào cản lớn nhất cho thảo luận công khai về nghèo đói trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống có thể là khái niệm của người Mỹ rằng họ đều là tầng lớp trung lưu, theo Giáo sư Emerson. "Khi các chính trị gia nói "trung lưu", mọi người Mỹ coi đó là họ", Emerson nói. "Và khi bạn hỏi mọi người trong các cuộc khảo sát, mỗi người Mỹ đơn lẻ đều coi mình là trung lưu".

Điều đó có thể đang thay đổi, theo Tavis Smiley - một người dẫn chương trình của PBS và đã thúc đẩy thảo luận rộng rãi hơn về nghèo đói trong chính trị. 

Hàng triệu người trung lưu trước đây mất việc làm và nhà cửa trong thời kỳ Đại Suy thoái, ông nói. "Và các con số thất nghiệp không cho thấy những người không việc làm giờ đã chán nản đến mức họ thôi không tìm kiếm việc làm nữa".

Tất cả những điều đó có nghía là những người thuộc diện nghèo giờ đây bao gồm cả những người có học và có nhận thức chính trị tốt, theo ông Smiley.

Tuy vậy, nhiều người lưu ý rằng, về mặt lý thuyết thì những người nghèo đói theo các chuẩn liên bang lại không phù hợp với quan niệm đặc thù về nghèo đói. Dữ liệu của chính phủ cho thấy 60% người nghèo Mỹ có truyền hình cáp, 30% có TV plasma hoặc màn hình rộng, và đa số sống trong những ngôi nhà tươm tất rộng rãi hơn so với một gia đình trung lưu Anh. 

Theo bạn, ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ?


Thanh Hảo (Theo CSM)