Libyan leader Muammar Gaddafi

Con trai nhà lãnh đạo Libya cảnh báo sớm 21/2 rằng Libya có nguy cơ lâm vào nội chiến nếu như các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh leo thang.

TIN LIÊN QUAN:

Thêm máu đổ ở Trung Đông và Bắc Phi
Trung Đông "sốt" biểu tình, có thêm người chết 
Toàn cảnh khủng hoảng Ai Cập


Seif al-Islam, con trai Tổng thống Libya, cảnh báo nội chiến xảy ra ở đất nước ông nếu đụng độ leo thang. (Ảnh: AP)

Theo tin từ Đài Truyền hình Al-Jazeera, Seif al-Islam nói rằng người Libya và quân đội luôn ủng hộ bố ông, Tổng thống Muammar Gaddafi. "Chúng ta sẽ không từ bỏ một tấc đất lãnh thổ Libya nào. Chúng ta sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng, đến viên đạn cuối cùng", ông nói.
Seif al-Islam ngụ ý cha ông vẫn ông Libya, nói rằng Gaddafi "không phải một nhà lãnh đạo như
(Zine El Abidine) Ben Ali hay (Hosni) Mubarak".

Trước đó, các đài truyền hình Al-Alabiya và Al-Jazeera đều đưa tin Gaddafi đã rời đi Brazil hoặc Venezuela và con trai Seif al- Islam của vị Tổng thống này đã lên nắm quyền điều hành đất nước. Thông tin này không được các quan chức Libya xác nhận. 
Seif al-Islam cho hay, Quốc hội Libya sẽ họp trong hôm nay để thảo luận về một chương trình nghị sự cải cách "rõ ràng" trong khi chính phủ cũng sẽ tăng lương.  

"Chúng ta sẽ phải xây dựng một hiến pháp cho đất nước", Seif al-Islam nói, cam kết sẽ thực hiện cải cách trong tương lai.


Biểu tình phản đối Muammar Gaddafi bên ngoài đại sứ quán Libya ở London hôm 20/2. (Ảnh: Reuters)

Đài Al-Alabiya cũng đưa tin, một số binh sĩ ở Benghazi, đông Libya, đã đào ngũ và giải phóng thành phố. 

Seif al- Islam nói nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, mọi người Libya sẽ phải cầm vũ khí bảo vệ chính mình, bởi vì đất nước sẽ đổ máu. "Bạo lực có thể còn tồi tệ hơn ở Iraq" nếu như bạo loạn tiếp tục. 

Seif al-Islam khẳng định có một âm mưu chống lại Libya vì có các yếu tố nước ngoài hiện diện ở đất nước này. Bên cạnh đó, một số nhóm Hồi giáo đứng sau các cuộc biểu tình và bất ổn nhằm thiết lập một "Tiểu vương quốc Hồi giáo".  

Seif al-Islam nhấn mạnh, Libya khác với Tunisia và Ai Cập. Bất kỳ một sự chia rẽ nào đều đẩy nước này trở lại thời kỳ cách đây 60-70 năm. Đụng độ có thể gây ra nội chiến ở Libya. 

Seif al-Islam khẳng định 84 người biểu tình đã thiệt mạng ở Benghazi, phủ nhận thông tin trước đó rằng 250 người đã chết vì đụng độ với an ninh. Ông nói rằng, người biểu tình tấn công các rào chắn ở Benghazi là do họ tức giận. Hàng chục người đã bị bắt, trong đó có một số nhà vận động chiến dịch. Một số xe tăng và trang thiết bị nặng đã về tay người biểu tình. 

Seif al-Islam nói rằng quân đội và cảnh sát không chiến đấu với nhân dân. "Những gì đang xảy ra ở Libya là rất nguy hiểm. Làm thế nào Libya chăm sóc được người dân nếu như đất nước sụp đổ?".

Người biểu tình bắt đầu đổ ra đường ở Libya từ 16/2, kêu gọi chấm dứt 41 năm cầm quyền của ông Muammar Gaddafi trong một làn sóng biểu tình lấy cảm hứng từ những gì diễn ra ở Tunisia và Ai Cập vốn đã khiến cả hai tổng thống nước này phải rời nhiệm. 

Đặc sứ Libya ở Liên đoàn Ảrập đã từ chức hôm qua (20/2) và tham gia vào lực lượng biểu tình ở đất nước ông, hãng thông tấn MENA của Ai Cập đưa tin. 

Thanh Hảo (Theo China Daily)