Giới phân tích cho rằng, một trong những ý đồ đằng sau kế hoạch phóng tên lửa
của Triều Tiên trong tháng 12 là nhằm phá hỏng cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc.
TIN BÀI KHÁC:
Thông tin trái chiều quanh việc Triều Tiên thử tên lửa
Triều Tiên thử tên lửa vào ba tuần tới?
Một nhóm phóng viên đi trên đoạn đường gần trạm tên lửa Sohae ở Tongchang-ri,
Triều Tiên, ngày 8/4/2012. (Ảnh tư liệu: AP)
Việc CHDCND Triều Tiên thông báo sẽ phóng một tên lửa tầm xa trong tháng này
đã thực sự gây quan ngại cho nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và
cả Trung Quốc.
Ngoại trưởng Australia Bob Carr đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này, gọi đó là "một sự khiêu khích vô ích'.
Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 2/12, cho biết các cuộc hội đàm đã bắt đầu giữa nước này với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga về "các bước tiếp theo" phải hành động liên quan tới vụ phóng.
Nhật Bản đã hoãn các cuộc gặp song phương dự kiến trong tuần này với Triều Tiên, đồng thời ban hành các mệnh lệnh cho phép quân đội được triển khai các khẩu đội pháo nhằm bắn hạ bất kỳ một mảnh vỡ tên lửa nào rơi xuống nước này.
Vụ phóng, được thông báo một ngày sau khi lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ quan chức cấp cao của Trung Quốc, Li Jianguo, ở Bình Nhưỡng cũng làm căng mối quan hệ giữa hai bên.
Báo chí Trung Quốc đưa tin nước này lo ngại trước các kế hoạch của Triều Tiên. "Trung Quốc... bày tỏ lo ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên, bày tỏ hy vọng các bên liên quan có thể hành động theo một cách có lợi hơn cho ổn định của bán đảo Triều Tiên", trích bản tin trên Tân Hoa xã.
Vụ phóng cũng có nguy cơ tái định hình chiến dịch bầu cử ở Hàn Quốc và đóng vai trò như một phép thử về chính sách ngoại giao đối với Tổng thống tái cử Barack Obama của Mỹ cũng như với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Hôm 1/12, Bình Nhưỡng thông báo dự định phóng một phiên bản vệ tinh Taepodong/Unha-3 trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 22/12, phớt lờ sức ép từ cộng đồng quốc tế. Vụ phóng nhiều khả năng sẽ diễn ra trong ngày 17/12, ngày giỗ đầu của cố Chủ tịch Kim Jong-il.
Báo chí Triều Tiên cho biết sự kiện này sẽ được thực hiện theo nguyện vọng của nhà lãnh đạo quá cố. Bình Nhưỡng khẳng định tên lửa sẽ mang một vệ tinh song phần lớn thế giới coi đó là một vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đang cố gắng phát triển các tên lửa có thể tấn công vào đất Mỹ.
Đây sẽ là vụ phóng lần thứ 2 trong năm nay, theo sau một nỗ lực bất thành hồi tháng 4 vốn chứng kiến tên lửa phát nổ ngay khi rời bệ phóng hơn một phút.
Triều Tiên khẳng định họ đã chọn một đường đạn hướng nam từ trạm Sohae ở phía tây nước này để tránh cho các mảnh vỡ tên lửa của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 không rơi xuống các nước láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều đó có thể có nghĩa là nước này sẽ chọn đường đi tương tự, qua Philippines và Australia, của vụ thử bất thành hồi tháng 4.
Thượng nghị sĩ Carr tuyên bố Australia đã có sự phản đối chính thức về vụ phóng. "Hôm nay, tôi đã yêu cầu sự phản đối của Australia về các cuộc thử nghiệm này phải được chuyển tới đại sứ Triều Tiên tại Australia, ngài Ri Jong Ryul, và chính phủ ở Bình Nhưỡng. CHDCND Triều Tiên một phần nữa đã thể hiện sự coi thường thế giới khi theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt với cái giá phải trả của cả khu vực và chính người dân nước này. Vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là một mối đe dọa đối với an ninh của châu Á - Thái Bình Dương và đối với an toàn của hàng triệu người ở các nước láng giềng".
Vụ phóng hồi tháng 4 được cho là tốn kém khoảng 850 triệu USD, theo ước tính của quân đội Hàn Quốc. Số tiền này chiếm hơn 2% GDP của Triều Tiên.
Giới phân tích đã nêu ra một loạt lý do có thể khiến Triều Tiên coi thường thế giới bằng một cuộc thử nghiệm khác. Một số người cho rằng Bình Nhưỡng có ý định phá vỡ cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, mặc dù hiện chưa rõ vụ phóng thiên về ứng viên bảo thủ Park Geun-hye hay ứng viên tự do Moon Jae-in.
Một giả thuyết khác là Bình Nhưỡng đang cố gắng đánh bại Seoul trong việc đặt một vệ tinh lên quỹ đạo. Hàn Quốc cũng sắp phóng vệ tinh của nước này, hy vọng sẽ thành công sau khi tất cả những nỗ lực trước đó đều bất thành.
Một số người khác cho rằng, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, Kim Jong-un, dùng vụ phóng để xoa dịu những bất mãn trong nước, và sẽ tuyên bố đây là một bằng chứng cho kế hoạch của ông nhằm biến Triều Tiên thành một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng trong năm nay.
Thanh Hảo (Theo The Australian)