- Miệng con có vết loét, mẹ cứ tưởng bị nhiệt, đưa đi khám mới biết bé mắc bệnh tay chân miệng.

Chị Phạm Thị Thảo, ngụ tại quận 7, TP.HCM vô cùng bất ngờ khi bác sĩ nói con trai 4 tuổi bị bệnh tay chân miệng. Thấy con ho, sốt, kêu đau miệng, chị Thảo đưa con đi khám và nghĩ do bé nóng trong người nên miệng bị nhiệt.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ nói bóng nước trong miệng bé là bệnh tay chân miệng chị Thảo mới té ngửa. Người mẹ trẻ hoang mang không biết sao con mình lại mắc bệnh này, độ nguy hiểm của bệnh tới đâu?

{keywords}
Một trường hợp bị tay chân miệng nặng đang được cấp cứu. Ảnh: Thanh Huyền.

Ths – bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa.

Trẻ nhỏ thường bị mắc tay chân miệng do cầm, ngậm đồ chơi, vật dụng.

Giai đoạn ủ bệnh của tay chân miệng từ 3 – 7 ngày, khi khởi phát sẽ có các biểu hiện dễ thấy là các bóng nước trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân.

Lúc bệnh mới phát, trẻ sẽ sốt nhẹ, có thể mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, lười ăn, nôn ói nên dễ bị nhầm với các bệnh viêm đường hô hấp hoặc tiêu hóa, sốt siêu vi, viêm màng não.

Nếu được phát hiện, chăm sóc tốt, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần, tuy nhiên phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng, bội nhiễm, bởi lúc này trẻ sẽ rất nguy hiểm, có thể bị biến chứng thần kinh, tim mạch và tử vong.

Bác sĩ Khanh cảnh báo, các dấu hiệu cho thấy cần phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay: Sốt cao liên tục 2 ngày khó hạ, chới với giật mình.

Một khi để trẻ tới mức tay chân lạnh, da nổi bông thì tình hình đã rất nghiêm trọng.

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng của con. Bản thân người chăm trẻ cũng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Tay chân miệng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhi để tăng cường đề kháng, giúp trẻ tự chống chọi, vượt qua bệnh tật.

Thanh Huyền