Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh dễ bị tăng cân, bao gồm nồng độ estrogen giảm, trao đổi chất chậm cùng các yếu tố trong lối sống như chế độ ăn không lành mạnh và ít vận động.
Vì vậy, rất nhiều người đã thay đổi chế độ ăn với mong muốn giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên không phải chị em nào cũng có kiến thức về chế độ ăn khoa học trong giai đoạn mãn kinh.
Dưới đây là 9 thói quen ăn uống sai lầm mà phụ nữ mãn kinh thường mắc phải:
Không ăn đường
Thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì nồng độ đường huyết của cơ thể. Do đó, giảm lượng đường tiêu thụ là bước quan trọng để giảm cân và duy trì cân nặng. Tuy nhiên, rất khó để loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn. Vì vậy, bạn chỉ nên hạn chế ăn đường tinh luyện (trong bánh quy, bánh ngọt...) và thay thế bằng đường tự nhiên có trong các loại trái cây để làm dịu cơn thèm ngọt.
Ăn thực phẩm không chất béo
Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của phụ nữ mãn kinh thường cao hơn. Với thói quen loại bỏ ăn thực phẩm không chất béo hoặc giảm chất béo, vô tình bạn sẽ lấy đi nguồn chất béo lành mạnh cần thiết để cơ thể chống lại bệnh tim. Không những vậy, một số thực phẩm không chất béo như sốt salad, bơ đậu phộng... lại chứa nhiều đường và không tốt cho việc kiểm soát cân nặng, năng lượng và sức khỏe tổng thể. Do đó, phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh nên bổ sung chất béo từ thực vật như các loại hạt, cá, bơ. Nguồn chất béo này giàu Vitamin E, chất chống oxi hóa, các Omega-3 và có tác dụng ngăn ngừa hiệu quả ung thư đại tràng ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Không giảm lượng calo hấp thụ
Những thay đổi trong quá trình chuyển hóa trước, trong và sau mãn kinh khiến cơ bản bạn khó đốt cháy calo hơn trước. Nếu giữ nguyên thói quen ăn uống như hồi 30 hay 40 tuổi, bạn sẽ không thể đốt cháy hết lượng calo dư thừa, từ đó dẫn đến tăng cân. Vì vậy, bạn nên tham khảo lời tư vấn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về một chế độ ăn mới để vừa tăng cơ giảm mỡ tự nhiên, vừa tăng cường sức khỏe.
Bổ sung quá nhiều canxi
Độ đặc của xương giảm sau khi mãn kinh không đồng nghĩa với việc bạn phải bổ sung quá nhiều canxi. Nạp quá nhiều canxi sẽ dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe bao gồm sỏi thận, táo bón và thậm chí là bệnh tim mạch ở một số người. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung 1.000 mg-1.200 mg canxi và kết hợp thêm các bài tập để giúp xương chắc khỏe.
Ăn quá nhiều đậu nành
Đậu nành được xem là thực phẩm thần kỳ cho phụ nữ mãn kinh vì nó giàu protein và chất xơ. Tuy nhiên, các sản phẩm từ đậu nành đã qua chế biến công nghiệp thường không tốt bằng đậu nành tự nhiên như đậu phụ, súp miso. Ăn nhiều các sản phẩm đã qua chế biến sẽ không tốt cho phụ nữ mắc các bệnh về tuyến giáp hoặc có tiền sử mắc bệnh ung thư vú vì các đặc tính giống hormone trong đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư do estrogen.
Không lên kế hoạch cho bữa ăn hàng ngày
Ăn uống không có kế hoạch dễ khiến bạn mất kiểm soát và có xu hướng lựa chọn đồ ăn nhanh – loại thực phẩm nhiều calo và không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, hãy tự vạch ra một thực đơn cân bằng cho các bữa ăn trong ngày và làm theo. Bằng cách này, bạn sẽ không phải nạp vào cơ thể lượng calo không cần thiết.
Ăn uống thỏa thích
Những căng thẳng mà phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh gặp phải thường được xoa dịu bằng cách ăn bất cứ thứ gì mà cơ thể muốn. Thói quen này dẫn đến tình trạng tăng cân, thiếu năng lượng và khó điều khiển cảm xúc. Thay vì ăn ngọt để giải tỏa stress, bạn hãy tập thể dục, tâm sự với bạn bè, tham gia hoạt động tình nguyện hoặc tập thiền, Yoga để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Ăn uống không điều độ
Phụ nữ tiền mãn kinh thường được bác sĩ tư vấn ăn thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày hoặc ăn 3 bữa mỗi ngày. Khi đã thực hiện một trong hai chế độ này, bạn cần tuân thủ đúng và đều đặn hàng ngày. Như vậy sẽ tạo thành thói quen để tránh tình trạng no đói thất thường.
Quên uống nước
Thiếu nước có thể khiến bạn thèm ăn ngọt, ăn mặn hơn bình thường để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều này hoàn toàn không tốt nếu bạn muốn giảm cân hay duy trì cân nặng. Tốt nhất bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để ngăn cơn thèm đồ ăn vặt.
(Theo Prevention/NLĐO)