Bà hoạt động sau chiến tuyến đối phương, rồi bị Liên Xô bắt giữ. Nhưng Mỹ chưa bao giờ ghi nhận bà như một người hùng thực sự.
Nữ điệp viên Stephanie Czech |
Đại úy Stephanie Czech đến sứ quán Mỹ tại Berlin trong trang phục dân sự, và như mọi khi, cô chuyển báo cáo cho đơn vị tình báo. Thế chiến II có thể đã chấm dứt, nhưng Czech vẫn tiếp tục công việc của mình trong vỏ bọc.
Berlin không phải địa bàn hoạt động của cô. Czech tới Ba Lan tháng 10/1945, và dành ra 4 tháng sau đó lái xe đi khắp đất nước. Czech nói cô chỉ là văn thư ở sứ quán Mỹ tại Ba Lan, khi rảnh thì cô tìm kiếm người thân tại đây.
Thực tế, Czech là sĩ quan trong Quân đoàn Phụ nữ và là một trong hai thành viên duy nhất của Cơ quan Tình báo Chiến thuật (OSS - tiền thân của CIA, là cơ quan tình báo trung ương đầu tiên của Mỹ) đóng tại Ba Lan.
Czech là con một người nhập cư, có thể nói tiếng Ba Lan nhuần nhuyễn, làm việc trong đơn vị phản gián, còn được gọi là X2 – một nơi bí mật đến nỗi các thành viên thậm chí không biết tên của tổ chức. Czech lang thang khắp vùng ngoại ô Ba Lan, do thám các di chuyển của quân đội Liên Xô và thu thập thông tin về các đơn vị tình báo của họ.
Nữ tình báo viên 30 tuổi dễ dàng thâm nhập vào xã hội Ba Lan. Nhưng cô làm việc, sống trong nỗi sợ hãi đeo đẳng vì có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào.
Mặc quân phục sẽ khiến Czech được bảo đảm hơn ở một số khía cạnh, nếu cô bị bắt, cô sẽ được trả về Mỹ. Nhưng một điệp viên bị bắt khi mặc thường phục thì Liên Xô sẽ chẳng có lý gì mà nói với Mỹ vụ bắt người. Mỹ cũng có thể sẽ chối bỏ việc một nữ điệp viên đang đếm xe tăng và các sư đoàn quân đội của Liên Xô.
Cũng bởi vậy mà có thể hiểu vì sao Czech se lòng khi tạt vào đầu não tác chiến OSS tại sứ quán ở Berlin vì tưởng chỉ là một chuyến viếng thăm ngắn ngủi, nhưng hóa ra lại được giao nhiệm vụ kế tiếp.
Trưởng phái bộ ở Berlin có một số tài liệu mật và cần được chuyển bằng tay tới sứ quán tại Warsaw. Czech không được phép biết trong tài liệu có gì. Nhưng cô hiểu rằng nếu cô bị chặn lại và số tài liệu mật bị phát hiện, thân phận điệp viên của cô bị lộ.
Czech cũng được báo là phía Liên Xô có thể đã nhìn thấu vỏ bọc của cô. “Tôi không muốn mang món đồ này” – Czech nói khi số tài liệu được đưa ra, như thể với cô đây là độc dược vậy.
Chẳng còn ai khác đi Warsaw, và Czech là người duy nhất có thể làm việc này. Nhưng khi cô đi đến trạm kiểm soát, và thấy các nhân viên an ninh Liên Xô, cô hiểu rằng đây có thể là nhiệm vụ cuối cùng của mình.
Czech không thể chạy. Cô cũng không thể giấu tài liệu trong áo vì họ có thể tìm thấy chúng. Và nếu vậy, Czech chắn chắn sẽ bị nhốt trong trại lao cải. Czech vẫn bước tới trạm kiểm soát ở biên giới, mắt nhìn vào các nhân viên an ninh Liên Xô.
Cô lặng lẽ đưa tài liệu và xoay sang người đàn ông đi bên cạnh – một người mà cô tin cậy. Cô nói: “Cầm lấy cái này”, và đưa cho anh tài liệu cần chuyển tới Warsaw cùng với tên người nhận.
Đúng như Czech lo sợ, cô bị giữ lại. Nhưng không ai tìm thấy chứng cứ buộc tội, nên không thể giam giữ cô. Czech được thả, và sau đó biết rằng chỗ tài liệu mật đã trên đường tới sứ quán.
Gần 70 năm sau đó, Czech (nay là bà Rader) dường như vẫn giữ kín câu chuyện.
Các sĩ quan OSS cấp cao của Czech quá ấn tượng với phi vụ này, và mô tả Czech có ‘tư duy rành mạch và bình tĩnh phi thường’, đề xuất trao tặng cô Danh dự Bội tinh (huân chương Các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ dành cho các cá nhân có hành động xuất sắc).
Nhưng kể từ khi được phê chuẩn (năm 1946), cho tới nay, Rader vẫn không hề nhận được phần thưởng này. Thứ nhất, vì Czech là thành viên OSS. Vào thời điểm Czech thực hiện nhiệm vụ, Mỹ không có cơ quan tình báo chuyên biệt, và các thành tích của cô và các đồng sự thường được coi là không sánh bằng với chiến công của binh sĩ hay phi công chiến đấu.
Thứ hai, vì cô là phụ nữ. Dù người Mỹ đầu tiên nhận huân chương này cũng là nữ, nhưng sau đó những người được vinh danh chủ yếu là nam giới. Bản thân chồng bà cũng từng nhận được giải thưởng này.
Ở tuổi bách niên, những người thân và bạn bè của Czech được biết câu chuyện này đã nỗ lực làm điều mà họ cho là nên làm: đưa giải thưởng này về cho bà. Và tất cả vẫn đang chờ đợi.
Lê Thu