Vắc xin là một loại chế phẩm sinh học nhằm giúp con người dự phòng và đẩy lui bệnh tật. Vắc xin có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của con người.
Vắc xin dùng để phòng dịch, nhưng đối với một số kẻ bất lương, nó là công cụ để kiếm tiền làm giàu, làm hại mọi người, chủ yếu là trẻ em.
Theo mạng tin Đông Phương, mấy ngày qua, dư luận Trung Quốc đang chấn động bởi vụ kinh doanh vắc xin trái phép với số tiền lên tới 570 triệu NDT (khoảng 2.000 tỷ VND). Số người bị hại có thể lên tới hàng trăm nghìn người, ở khắp 24/31 tỉnh, thành.
Vắc xin được giữ như thuốc thường
Vụ việc bắt đầu bởi một tin tưởng như bình thường. Ngày 11/3, công an Tế Nam, tỉnh Sơn Đông công bố phá được một vụ án buôn bán, tiêu thụ vắc xin trái phép. Trong 5 năm, hai mẹ con Bàng X, nguyên dược sĩ Bệnh viện Nhân dân Mẫu Đơn ở Tế Nam và con gái Tôn X đã mua trái phép tổng cộng 2 triệu lọ gồm 25 loại vắc xin dịch vụ dùng cho người lớn và trẻ em trị giá 570 triệu NDT và vận chuyển tới 24 tỉnh, thành, khu tự trị như các loại dược phẩm khác, mà không hề được bảo quản lạnh theo quy định. Hơn 300 cá nhân và ít nhất 13 xí nghiệp đã tham gia vào đường dây này.
Bàng X (giữa), người thu mua 2 triệu lọ vắc xin |
Tại nhà Bàng X, cảnh sát đã thu được 26 cuốn sổ ghi chép số liệu tiêu thụ vắc xin trong vòng hơn 1 năm. Tài khoản ngân hàng dùng để kết toán tiền bán vắc xin trong 5 năm qua có 310 triệu tệ được chuyển vào. Thông tin này đã gây nên sự kinh hoàng trong dư luận bởi số lượng vắc xin nhiều và địa bàn ảnh hưởng rộng cùng năng lực tổ chức, điều hành mạng lưới tội phạm của hai người phụ nữ. Người ta còn kinh hoàng hơn, bởi một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng như thế lại được phát hiện sau 5 năm tồn tại.
Ông Trần Bỉnh Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục sức khỏe Trung Quốc cho biết, vắc xin là loại dược phẩm đặc biệt, phải được bảo quản đông lạnh trong khoảng 2 độ C đến 8 độ C, nếu không thì không còn hiệu quả miễn dịch, thậm chí còn làm người tiêm chủng bị tử vong. Ông Vương Nguyệt Đan, Phó chủ nhiệm khoa Miễn dịch Đại học Bắc Kinh, cho biết buôn bán loại vắc xin này không khác gì tội giết người.
Trong lúc dư luận đang rất lo lắng về những sự cố do phản ứng trong tiêm vắc xin hiện nay, sự kiện được coi là “hành động giết người” này càng làm gia tăng nỗi lo ngại của dân chúng về “vắc xin có vấn đề”, khi một bé trai 4 tuổi ở tỉnh Quảng Đông bị chết hôm 21/3 sau khi tiêm phòng.
Ngày 22/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho ý kiến: “Sự cố an toàn vắc xin lần này gây nên sự chú ý cao trong xã hội, bộc lộ nhiều lỗ hổng trong lĩnh vực quản lý giám sát”. Ông yêu cầu phải nghiêm khắc xử lý các hành vi lơ là trách nhiệm, đồng thời hoàn thiện cơ chế giám quản.
Cẩu thả và vô trách nhiệm
Vụ việc được phát hiện từ ngày 28/4/2015. Cảnh sát Tế Nam đã gửi thông báo tới cơ quan công an hơn 20 tỉnh, thành có liên quan. Bộ Công an và Tổng cục Quản lý giám sát Thực dược phẩm đã coi đây là một trong số 10 vụ án trọng điểm. Cảnh sát Nội Mông, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông… đã phá 21 vụ án, bắt giữ 16 người và đã thông báo về vụ án từ ngày 2/2/2016. Một vụ việc nghiêm trọng như thế mà bị giấu nhẹm trước giới truyền thông, chỉ được thông báo nội bộ.
Hàng triệu lọ vắc xin được vận chuyển như thuốc bình thường |
Mãi đến ngày 18/3 vừa qua, trên mạng xuất hiện bài viết “Tai họa từ vắc xin” mới gây nên sự quan tâm, hoảng sợ trong dư luận. Tổng cục Quản lý giám sát Thực dược phẩm Trung Quốc vội chỉ đạo tỉnh Sơn Đông “áp dụng biện pháp có hiệu quả nhanh chóng xử lý vấn đề buôn bán vắc xin trái phép”. Ngày 19/3, Sơn Đông công bố danh sách 300 kẻ tham gia buôn bán vắc xin bẩn ở 24 tỉnh, thành. Đến lúc này vụ việc mới thực sự được phơi bày, cả xã hội mới quan tâm và các ngành mới bắt tay hành động…
Chiều 24/3, Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia về Y tế và kế hoạch sinh đẻ cùng Tổng cục Quản lý Thực dược phẩm tổ chức họp báo quốc tế về diễn biến tình hình điều tra việc kinh doanh vắc xin trái phép. Tại cuộc họp báo, ông Hoa Kính Phong, Cục phó Trị an, Bộ Công an thông báo, đến nay công an các địa phương đã phá được 69 vụ án, khống chế hơn 130 người. Mẹ con Bàng, Tôn đã kiếm lợi hơn 50 triệu Nhân dân tệ từ phi vụ kinh doanh vắc xin trái phép này. Ông cũng thừa nhận mới chỉ thu hồi được 20 ngàn lọ, “đại bộ phận vắc xin đã được sử dụng” hoặc đưa đi những đâu thì chưa rõ.
Ông Lý Quốc Khánh, Vụ phó Vụ Quản lý giám sát Dược - Hóa, Tổng cục Quản lý giám sát Thực dược phẩm, cho biết thêm có tất cả 29 xí nghiệp dược phẩm, 16 cơ quan và 107 người tham gia nhập khẩu, kinh doanh trái phép trong vụ vắc xin bẩn này. Ông Khánh thừa nhận số lượng lớn vắc xin bẩn được vận chuyển, lưu hành trái phép mà cơ quan quản lý giám sát không kịp thời phát hiện, cho thấy có lỗ hổng rất lớn trong hệ thống giám quản.
Ông Lý Quốc Khánh thừa nhận, toàn ngành giám sát quản lý chất lượng dược phẩm có không tới 500 người, trong khi cả nước có hơn 5.000 xí nghiệp dược sản xuất thuốc, hơn 400.000 hiệu thuốc, do đó có những “điểm mù”, không kham xuể. “Số lượng lớn vắc xin bẩn được lưu thông, mua bán theo con đường bất hợp pháp, nhân viên giám quản không phát hiện kịp thời”.
Tuy nhiên, ông ta lại nói, “mặc dù quy định không cho phép vận chuyển vắc xin trong điều kiện không được bảo quản lạnh; nhưng vắc xin không được bảo quản lạnh trong một thời gian, nói chung không ảnh hưởng đến hiệu quả và tính an toàn; Vắc xin không được bảo quản lạnh trong thời gian dài, hiệu quả có thể bị ảnh hưởng, nhưng nói chung về độ an toàn thì ảnh hưởng không lớn. Mọi người đừng quá lo lắng, sợ hãi, nhất là đừng vì sự cố này mà không tiêm phòng nữa”.
Chính những phát biểu này đã gây nên sự phản đối và phẫn nộ mạnh mẽ trong dư luận. Trên các diễn đàn xuất hiện các ý kiến coi phát biểu của đại diện cơ quan quản lý giám sát dược phẩm là vô trách nhiệm, phản khoa học. Nhiều người bình luận: “Không bảo quản lạnh cũng không ảnh hưởng lớn, thì người ta đề ra yêu cầu phải bảo quản lạnh vắc xin làm gì?”…
Nguy hại khôn lường
Đi sâu tìm hiểu thêm thì được biết, vụ việc có thể truy ngược lại từ năm 2008. Vào năm đó, nữ dược sĩ họ Bàng ở Bệnh viện Hà Trạch, Sơn Đông bị bắt và bị tù 3 năm về tội kinh doanh vắc xin trái phép, nhưng được hoãn thi hành án 5 năm. Trong thời gian được hoãn thi hành án, Bàng vẫn tiếp tục buôn bán vắc xin trái phép, không những thế, Bàng và con gái đã tốt nghiệp đại học y khoa còn mở rộng kinh doanh cả về phạm vi, sản phẩm lẫn địa bàn.
Một bé trai phải sống thực vật sau khi tiêm vắc xin |
Ngày 28/4/2015, cảnh sát đã bắt mẹ con Bàng, Tôn, thu giữ 20.000 lọ vắc xin thuộc 25 loại. Con số 2 triệu lọ vắc xin và 570 triệu NDT chỉ là số lượng được thống kê trong 5 năm từ 2010 đến 2015, chưa bao gồm số vắc xin được tiêu thụ trước đó. Nếu chỉ tính số 2 triệu lọ đã được thống kê, bình quân mỗi người tiêm 3 lọ thì cũng đã có hơn 700 ngàn người bị tiêm vào cơ thể thứ vắc xin “có vấn đề” không được bảo quản lạnh theo quy định.
Tờ The Paper ngày 18/3 dẫn lời một chuyên gia miễn dịch trấn an: “Mọi người không nên quá hoang mang, vì vắc xin loại I (miễn phí) do nhà nước thống nhất quản lý và cho lưu hành. Nếu ai có nhu cầu dùng vắc xin loại II (dịch vụ) thì nên chọn của đơn vị chính quy, có uy tín bảo đảm”. Ý kiến này bị nhiều người lên tiếng chỉ trích: “Vụ án vắc xin bẩn này làm chúng ta kinh sợ, cho dù là loại I hay loại II, chúng ta tiêm vắc xin là hy vọng trẻ em được bảo vệ, nếu vắc xin không có chất lượng thì tiêm làm gì? Nghiêm trọng hơn, các loại vắc xin cứu mạng người như phòng chó dại cắn mà không có hiệu quả thì quá đáng sợ”.
Vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi Cục Giám sát quản lý Thực dược phẩm Nam Dương, Hà Nam mới đây tiết lộ, hồi tháng 12/2014, Công ty Y dược sinh học Chí Viễn Nam Dương đã mua 11 ngàn liều vắc xin viêm màng não từ một công ty ở Vô Tích, sau đó ghi trên sổ là đem bán cho cơ quan kiểm soát phòng dịch ở khu vực Chu Khẩu, Hà Nam vào tháng 4/2015. Tuy nhiên, qua kiểm tra chứng từ này là giả mạo, hàng không hề được đưa đến Chu Khẩu.
Kẻ mua lô vắc xin này chính là Lý Lưu Trụ, một nhân vật bị lộ mặt chuyên kinh doanh “vắc xin giết người” trong vụ việc lần này, đồng thời là nhân viên nghiệp vụ của công ty Chí Viễn. Điều đáng sợ, là hiện Lý Lưu Trụ đã bỏ trốn nên người ta không biết 11 nghìn liều vắc xin viêm màng não không được bảo quản lạnh này được bán cho ai, đã được tiêm hay chưa?
Ngày 27/3, thương nhân Long Xuân Lệ cho báo chí biết, ngày 5/1/2016, vợ ông mang đứa con trai 4 tháng tuổi của ông đến một bệnh viện ở An Dương, Hà Nam tiêm phòng mũi hỗn hợp 3 trong 1. Khoảng 2 tiếng sau khi tiêm, con ông đã bị chết. Cơ quan y tế địa phương đã tiến hành điều tra, sau đó khẳng định quy trình tiêm đúng, nguyên nhân tử vong do sốc thuốc. Ông Lệ nghi ngờ vắc xin bẩn đã gây nên cái chết của con mình.
Ngoài ra cũng đã có thêm 1 trẻ 33 ngày tuổi ở Sơn Đông bị chết sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B và 1 trẻ hơn 4 tuổi ở Thiểm Tây phải sống cuộc sống thực vật sau khi tiêm vắc xin 3 trong 1.
Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc
Ngày 28/3, ông Bernhard Schwartlander, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nói rằng vụ việc vắc xin bẩn lần này cho thấy vắc xin dịch vụ của Trung Quốc tuy có tiêu chuẩn cao, nhưng có lỗ hổng chết người để những phần tử xấu lợi dụng. Ông đề nghị Chính phủ Trung Quốc phải tăng cường giám sát quản lý vắc xin dịch vụ. Ông chỉ rõ, sự kiện lần này có thể khiến dân chúng mất lòng tin vào việc tiêm chủng, hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Ngoài ra, bác sĩ Rance, Tổ trưởng quy hoạch miễn dịch Văn phòng WHO tại Trung Quốc ngày 29/3 cũng lên tiếng đề nghị cần tiêm chủng lại cho những trẻ em đã bị tiêm vắc xin quá hạn hoặc không hợp chuẩn.
Ông Bernhard Schwartlander cho rằng, vắc xin loại 1 (tiêm miễn phí) của chính phủ được sản xuất và bảo quản phù hợp hoặc vượt tiêu chuẩn của WHO, nhưng vắc xin loại 2 (dịch vụ) thì không được bảo quản, vận chuyển thông qua hệ thống giám sát quản lý nghiêm ngặt như loại 1. Sau khi xuất xưởng đã bị các phần tử phạm tội lợi dụng, mua bán bừa bãi, gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ em.
Sau khi xảy ra sự kiện vắc xin bẩn, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời kêu gọi mang trẻ sang Hong Kong tiêm chủng. Điều này đã gây nên mối lo ngại trong quan chức và dân chúng hai đặc khu Hong Kong và Ma Cao về “khủng hoảng thiếu vắc xin”. Giới chức y tế những nơi này đã lên tiếng khẳng định, chính quyền ở đây chỉ tiêm phòng miễn phí cho cư dân của họ, không chấp nhận tiêm phòng cho những người ở nơi khác đến.
Ở Hong Kong, mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ em ra đời, cơ quan y tế chỉ nhập lượng vắc xin đủ dùng, không dư thừa để tiêm cho trẻ em nơi khác. Tuy nhiên, thực tế 2 tháng qua đã có khoảng 400 trẻ em từ Đại lục được đưa qua đây để tiêm khiến họ phải mua thêm vắc xin để bù vào.
Ngô Tuyết
'Bà trùm' vắc xin dịch vụ: 'Quinvaxem tốt hơn'
Đánh giá Quinvaxem tốt hơn, GĐ công ty nhập khẩu và phân phối vắc xin dịch vụ cũng lưu ý 'Bộ Y tế không nên bằng mọi giá mà tiêm lấy được'.
Các loại vắc xin bố mẹ không thể không cho con đi tiêm
Các loại vắc xin bố mẹ không thể không cho con đi tiêm
Bộ trưởng Y tế trải lòng về sự cố vắc xin
Bộ trưởng Bộ Y tế truy giám đốc Trung tâm tiêm chủng Polyvac: "Tại sao vì vài trăm mũi tiêm mà làm náo động cả nước, khiến cả ngành y tế vất vả?"
Bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng xếp hàng chờ vắc xin trong đêm
Rạng sáng 31/12, rất đông người dân Đà Nẵng ngồi xếp hàng trước cổng Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đợi đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 cho con. Nhiều người từ Hà Nội cũng lặn lội vào ngồi chờ trong đêm.
Thảnh thơi đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ
Các điểm tiêm chủng dịch vụ sáng nay không có cảnh hỗn loạn, chờ đợi.