Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên liên tiếp diễn ra, đặc biệt sau mỗi lần Bình Nhưỡng thử nghiệm vũ khí.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngần ngại dành cho lãnh đạo Triều Tiên những ngôn từ gay gắt. Trong suy nghĩ của ông chủ Nhà Trắng, lý do duy nhất chính quyền ông Kim Jong Un muốn phát triển vũ khí hạt nhân là để hủy diệt Mỹ và các đồng minh.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thường đích thân giám sát các vụ thử vũ khí. (Ảnh: KCNA) |
Nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thực sự muốn một cuộc chiến tranh với Mỹ?
Newsweek dẫn lời các chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lên quan Triều Tiên khẳng định câu trả lời là Không – và mọi việc không hề đơn giản.
"Tôi không nghĩ [Kim Jong Un] muốn chiến tranh... Tôi nghĩ ông ấy biết rõ việc khởi đầu vũ lực của Triều Tiên sẽ vô cùng rủi ro và có thể dẫn đến kết quả mà ông ấy chắc chắn không muốn, đó là sự kết thúc của chế độ", Robert Einhorn thuộc Viện Brookings nói với Newsweek.
Theo ông Einhorn, sự khiêu khích thường thấy của Triều Tiên nằm trong một "chiến lược chủ ý".
"Tôi nghĩ tất cả những bước đi thực tế nhằm cải thiện năng lực ngăn chặn hạt nhân kỹ thuật cùng những phát ngôn đe dọa đã được hoạch định để... bảo vệ [Triều Tiên] khỏi những gì ông [Kim Jong Un] coi là ý định của Mỹ nhằm kết thúc chế độ này. Dù có vẻ không hợp lý nhưng tôi nghĩ [Kim Jong Un] là một người chơi rất lý trí", ông Einhorn bình luận thêm.
Theo hướng nhận định trên, Triều Tiên không hề muốn chiến tranh mà đơn giản là muốn cả thế giới, đặc biệt là Mỹ, biết rằng nước này sẵn sàng đứng lên chiến đấu để sinh tồn.
Đưa ra các đe dọa vừa mơ hồ vừa khuyếch đại chống Mỹ từ lâu đã là một phần chiến lược của Triều Tiên, có từ trước khi Kim Jong Un lên cầm quyền, theo Scott Snyder – Giám đốc Chương trình chính sách Mỹ - Triều tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
"Người Triều Tiên luyện tập việc đưa ra những thông điệp nghe có vẻ đe dọa nhưng lại không ràng buộc họ vào tiến trình hành động cụ thể" - Scott Snyder nhận định với Newsweek.
Snyder tin rằng các động thái của Triều Tiên rất lôgic. "Tôi nghĩ mục tiêu chính của ông Kim là duy trì sự sống còn của chính mình. Đặc biệt, những gì ông Kim dường như nhắm tới là sự nhân nhượng trong lĩnh vực hạt nhân sau khi bị phơi ra trước đe dọa hạt nhân từ Mỹ".
Đến nay, Triều Tiên được cho có tối đa khoảng 60 vũ khí hạt nhân. Vẫn chưa rõ liệu nước này đã lắp được một đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay chưa.
Trong khi đó, Mỹ có 6.800 đầu đạn hạt nhân – kho nguyên tử lớn thứ 2 trên thế giới sau Nga. Mỹ hiện cũng là nước có quân đội mạnh nhất hành tinh, với những ICBM mang hạt nhân có tầm bắn 10.000km. Triều Tiên nhận thức rõ điều này và muốn bắt kịp.
Thêm nữa, ngay cả khi Triều Tiên phát triển thành công một vũ khí hạt nhân có thể bắn tới Mỹ thì nước này biết rằng hậu quả của việc sử dụng nó sẽ là sự phá hủy hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, với thực tế hiện nay, sẽ không có một giải pháp đơn giản cho căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhưng chắc chắn một điều, ông Kim Jong Un không mong muốn chiến tranh.
Thanh Hảo