Triều Tiên, ngày 25/9, tuyên bố coi một thông điệp của Tổng thống Donald Trump trên Twitter là lời tuyên chiến, dọa sẽ bắn hạ máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ.

Chính quyền ông Kim Jong Un thẳng thừng cảnh báo sẽ bắn máy bay Mỹ dù chúng không vào không phận Triều Tiên. Tuy nhiên, với một cuộc tấn công như vậy thì nói dễ hơn làm.

{keywords}
Máy bay B-1B Lancer của Mỹ. (Ảnh: The Aviationist)

Washington thường xuyên đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng cách điều động B-1B Lancer – máy bay ném bom siêu thanh tầm xa – đến lượn sát Triều Tiên. Các chiến cơ Hàn Quốc và Nhật Bản bay hộ tống, và đôi khi, chúng thả bom giả xuống một trường tập bắn gần biên giới Triều Tiên.

Hành động này càng khiến Triều Tiên tức giận. Nước này không có đủ sức mạnh trên không để thực hiện màn thị uy tương tự. Trước đó, Triều Tiên cảnh báo kế hoạch nã tên lửa vào đảo Guam – nơi có các căn cứ quan trọng của Mỹ với nhiều máy bay ném bom.

Chính quyền ông Kim Jong Un thậm chí bàn tính chuyện bắn hạ máy bay Mỹ ở không phận quốc tế. Ngày 26/9, báo chí Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên đang tiến hành tăng cường các hệ thống phòng thủ, có lẽ là để chuẩn bị cho đe dọa mới nhất này.

Nhưng thực hiện được đe dọa không phải là một điều đơn giản, vì hệ thống phòng không của Triều Tiên tuy dày đặc nhưng lại lỗi thời.

Omar Lamrani, một nhà phân tích quân sự cấp cao của diễn đàn tình báo địa chính trị Stratfor, nhận định với Business Insider rằng Triều Tiên chỉ có vài biến thể của phi cơ do Liên Xô chế tạo, và một số hệ thống phòng không khá uy lực như khẩu đội tên lửa đất đối không KN-06 bắt chước hệ thống S-300 của Nga.

Trên mặt đất, phòng thủ của Triều Tiên "không thể là mối đe dọa đối với các máy bay bay cao, đặc biệt là bay phía trên biển", ông Lamrani nhận xét.

Nhưng Triều Tiên có một lợi thế: Tính bất ngờ.

Khi một máy bay tiến vào hoặc lượn sát vùng không phận được bảo vệ, chuyện ngăn chặn là bình thường. Thông thường, các máy bay quân sự sẽ bay tới gần nhóm chiến cơ và thông báo chúng đang tiến hoặc đã tiến vào vùng không phận được bảo vệ, và chúng sẽ quay đầu.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có các chiến cơ tân tiến có thể dễ dàng tiêu diệt một máy bay Triều Tiên sắp tiếp cận trước khi ở khoảng cách đủ gần để tấn công. Dù vậy, một chiến cơ Triều Tiên có thể bay thẳng vào một chiến cơ hoặc máy bay ném bom của Mỹ, thực hiện một cú bắn tầm gần bằng vũ khí thô sơ và chớp cơ hội hạ cánh.

Triều Tiên có "lợi thế di chuyển trước", theo chuyên gia Lamrani. Nhưng nếu máy bay Triều Tiên bắn hạ máy bay Mỹ thì "họ sẽ phải trả giá". Vì lý do đó, Lamrani cho biết ông thấy rằng viễn cảnh trên khó xảy ra.

Lần mới đây nhất khi Mỹ điều máy bay B-1 hoạt động sát Triều Tiên, có tới 4 chiến cơ tân tiến hộ tống nó.

Trong khi đó, Không lực Triều Tiên đã lỗi thời, và không thể huấn luyện vì thiếu thốn nhiên liệu, theo ông Lamrani. Mỹ và các đồng minh sẽ nhanh chóng giành lợi thế và tiêu diệt mọi máy bay Triều Tiên vi phạm.

Các quan chức tình báo Hàn Quốc nói với hãng tin NK News rằng, Triều Tiên thậm chí không thể theo dấu B-1B Lancer. Để tránh khiến cho Triều Tiên bất ngờ, Mỹ thậm chí đã tiết lộ lộ trình bay. Ở điểm này, Triều Tiên phải ý thức rõ rằng không quân nước này quá kém so với Mỹ và các đồng minh.

Thanh Hảo