Sau khi Triều Tiên gây sốc bằng vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7, Mỹ đã nhanh chóng tăng tốc phòng thủ tên lửa dù có nhiều lỗ hổng trong các hệ thống và chiến thuật hiện có.

Các kế hoạch của Mỹ trong trường hợp Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công tên lửa là tập trung vào phát hiện các vụ phóng sớm và sẵn sàng đánh chặn.

{keywords}
Ảnh: Rodong Simun

Từ năm 2013, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai được 44 tên lửa đánh chặn tên lửa ở Alaska và California vào cuối năm 2017, và Triều Tiên ít nhất sẽ cần khoảng thời gian từng đó để hoàn thiện các tên lửa đủ năng lực tấn công.

Nhưng các tên lửa đánh chặn cũng chưa thể đảm bảo chắc chắn, theo Lauren Grego – nhà khoa học cấp cao của Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên minh Các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists). Ông viết trên Twitter tuần trước: "Chưa rõ khả năng 'cú bắn diệt đơn lẻ'" của một ICBM ra sao nhưng khó mà vượt quá 50%, ngay cả trong "các điều kiện lạc quan".

Tất nhiên, Mỹ sẽ không bắn một tên lửa đánh chặn đơn lẻ. Cục Phòng thủ Tên lửa từng mô tả với báo Business Insider rằng, trong một viễn cảnh chiến đấu ở thế giới thực, Mỹ sẽ bắn nhiều tên lửa đánh chặn vào cùng một mối đe dọa đơn lẻ.

Theo tính toán của Grego, giả sử khả năng là 50%, nếu Mỹ bắn 4 tên lửa đánh chặn vào một mối đe dọa đơn lẻ, cơ hội hạ mục tiêu là 94%.

Nhưng Triều Tiên sẽ dại dột nếu phát động chiến tranh hạt nhân với cường quốc hạt nhân số 1 thế giới bằng cách bắn đi một tên lửa đơn lẻ. Grego cho rằng, nếu Triều Tiên bắn 5 tên lửa thì cơ hội Mỹ bắn hạ cả 4 tên lửa này giảm xuống còn 72%.

Nhiều tên lửa cùng lúc không phải là vấn đề duy nhất. Triều Tiên có thể triển khai "chim mồi" hoặc các biện pháp đối phó, chẳng hạn gây nhiễu hoặc phá rối hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách phơi bày nhiều mục tiêu giả.

Thủ thuật này sẽ vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ và cho phép các đầu đạn hạt nhân nã trúng các mục tiêu của Mỹ. Do vậy, gia tăng số lượng tên lửa chặn của Mỹ nhiều hơn con số 44 cũng không giải quyết được những vấn đề nền tảng của hệ thống phòng thủ truy-diệt.

Vì thế, cách phòng thủ tốt nhất trong một cuộc chiến hạt nhân vẫn là tấn công hiệu quả. Có nghĩa là ngay khi Mỹ phát hiện các bệ phóng và xác minh nguồn gốc của chúng, một dàn tên lửa uy lực và chính xác sẽ lao qua bầu trời hướng tới Triều Tiên trước khi các tên lửa của Bình Nhưỡng đáp xuống mục tiêu. Thời khắc các thành phố của Mỹ chìm trong tro bụi cũng là lúc toàn bộ Triều Tiên chịu sự hủy diệt.

Thêm nữa, Triều Tiên không có hệ thống phòng thủ tên lửa, nên một vụ tấn công tên lửa của Triều Tiên nhằm vào Mỹ khó có thể xảy ra.

Thanh Hảo