Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên sáng 14/5 đã cung cấp nhiều manh mối mới về tham vọng hạt nhân của nước này.

Trong 3 năm qua, Triều Tiên đã phóng số lượng tên lửa nhiều hơn so với 30 năm trước đó cộng lại. Đây là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy nỗ lực của Chủ tịch Kim Jong Un thúc đẩy chương trình hạt nhân kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011.

{keywords}
Chủ tịch Kim Jong Un thường xuyên đi thị sát các nhà máy và cơ sở quân sự.

Theo Tạp chí Phố Wall, ông Kim Jong Un đã hiện đại hóa việc sản xuất các bộ phận tên lửa và hạt nhân, nâng cấp chương trình trong bộ máy quân sự và đội ngũ kỹ sư, để buộc phương Tây phải coi trọng Bình Nhưỡng nhiều hơn.

Vụ hôm 14/5 là lần phóng thứ 10, đối với tên lửa tầm trung mới chế tạo. Đích thân ông Kim Jong Un giám sát sự kiện và miêu tả đó là "hệ thống vũ khí hoàn hảo". Một số chuyên gia cho rằng vũ khí này có thể bắn tới căn cứ Mỹ ở Guam.

{keywords}
 

Ngay cả với lần phóng thất bại ngày 28/4 - tên lửa nổ chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng - cũng được nhiều chuyên gia độc lập đánh giá là tín hiệu tiến bộ rõ rệt của Triều Tiên. Những bài học rút ra được sau mỗi lần thất bại đã giúp Triều Tiên tiến gần hơn tới mục tiêu làm chủ một tên lửa tầm xa mà có thể đe dọa Mỹ bằng một cuộc tấn công hạt nhân.

Trong nhiều năm, ông nội và cha đẻ của Kim Jong Un đều sử dụng chương trình tên lửa làm thế mạnh trong đàm phán ngoại giao với phương Tây và mang về ngoại tệ nhờ xuất khẩu vũ khí. Tiến bộ công nghệ chậm đi nhưng lại tăng tốc sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền. Trong khi đạt tiến bộ từng ngày, nhà lãnh đạo trẻ tuổi khó đoán của Triều Tiên cũng không tỏ vẻ quan tâm đến đàm phán với Mỹ.

Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa thường xuyên hơn, để đảm bảo các vũ khí này có thể hữu ích nếu xung đột xảy ra.

{keywords}
 

Một loạt bước tiến đã buộc Mỹ và đồng minh phải đánh giá lại chính sách phòng thủ của họ. Và giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên có thể sẽ là điểm nóng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in, chính trị gia mới đắc cử và thiên về ràng buộc ngoại giao với chính quyền Kim Jong Un.

Theo những hình ảnh do báo chí Triều Tiên cung cấp, ở một nhà máy cách Bình Nhưỡng khoảng 100km về phía bắc, hàng chục cỗ máy do máy tính điều khiển - tương tự như những cỗ máy mà Samsung sử dụng để chế tạo điện thoại di động thông minh - sản xuất ra những bộ phận tinh vi có thể dùng cho các máy li tâm hạt nhân và tên lửa.

Trong một lần thăm nhà máy năm 2013, Kim Jong Un đã giận dữ yêu cầu các kỹ sư thay thế thiết bị cũ bằng robot và điều khiển bằng máy tính (CNC). Chính phủ thậm chí cho sáng tác bài hát về các cỗ máy này và in chúng lên tem bưu chính.

Những bức hình chụp Kim Jong Un trở lại nhà máy này hồi tháng 8 năm ngoái có ảnh của nhiều CNC với các cánh tay robot màu vàng tươi mang logo của hãng cơ khí Thụy Sĩ ABB.

{keywords}
Ảnh: WSJ

Các chuyên gia vũ khí nghiên cứu ảnh vệ tinh và ảnh chụp mà Triều Tiên công bố nói rằng loại máy mới xuất hiện ở khắp các nhà máy tên lửa của Triều Tiên. Chúng cho phép sản xuất nhanh hơn, chính xác hơn, giảm nhu cầu nhập khẩu các bộ phận tương tự.

Vũ khí trong cuộc diễu binh quân sự hồi tháng 4 ở Bình Nhưỡng bao gồm cả các vỏ tên lửa mà có thể do các máy CNC sản xuất.

"Về cơ bản, giờ đây họ có thể sản xuất bất cứ bộ phận gì (cho tên lửa) làm bằng thép", tạp chí Phố Wall dẫn lời Jeffrey Lewis, một chuyên gia tên lửa tại Viện Các nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California.

Triều Tiên tuyên bố nước này không còn lựa chọn nào ngoài việc đẩy mạnh phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân để tự vệ.

Thanh Hảo