Ông là một nhân vật quan trọng thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng của quan hệ lịch sử Mỹ -Triều, là người vận động hành lang mạnh mẽ cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim sắp tới, và những "đầu tư ngoại giao" không mệt mỏi của ông dường như đang chuẩn bị gặt hái thành quả.

Mùa xuân đặc biệt

{keywords}
 

Giữa tháng 5, Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ và Tổng thống Trump thông báo hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Singapore; các lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn nhóm họp tại Tokyo để thảo luận phi hạt nhân hoá và tái hoà hợp bán đảo Triều Tiên… Tất cả khiến cho mùa xuân năm 2018 trở thành một trong những mùa xuân đặc biệt nhất, khi lịch sử trên bán đảo này, sau nhiều thập niên trì trệ đã bất ngờ chuyển biến rất nhanh.

Một trong những nhân vật quan trọng thúc đẩy sự chuyển dịch đó chính là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người đã âm thầm nhưng mạnh mẽ vận động hành lang cho cuộc gặp Mỹ - Triều và những nỗ lực không mệt mỏi từ phía hậu trường của ông sắp sửa gặt hái những thành quả đầu tiên.

Thậm chí, cuối tháng 5 vừa qua khi “lịch sử” suýt chút bị “dừng lại” bởi tuyên bố của Tổng thống Trump huỷ hội nghị Mỹ - Triều, ông Moon Jae In vẫn nỗ lực thúc đẩy nó, và bất ngờ có cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trong vòng một tháng. Dường như đã bị gạt ra bên lề bởi quyết định “dựng ngược” của Tổng thống Mỹ, nhưng ông Moon Jae In vẫn không ngừng giành lại "quyền kiểm soát" đối với sự kiện mà ông vẫn hy vọng có thể là một bước đột phá lịch sử cho hoà bình trên bán đảo quê hương mình.

Câu chuyện Hàn Quốc đưa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau được cho là bắt đầu từ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Nhưng diễn biến của câu chuyện này thực ra đã bắt đầu từ sớm hơn thế nhiều, và vẫn chưa kết thúc.

Moon Jae In, con trai trong một gia đình người tị nạn Triều Tiên, từng là chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo Hyun, tác giả của “chính sách Ánh Dương” nhằm kết nối Hàn Quốc với Triều Tiên.  

"Sẽ không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nữa. Một kỷ nguyên hòa bình đã bắt đầu", Tổng thống Moon Jae In.

Nhậm chức Tổng thống chỉ mới hơn một năm trước, ông Moon đã nóng lòng theo đuổi một cách tiếp cận mới với Triều Tiên. Nhưng ông quyết định không lặp lại những sai lầm của cựu Tổng thống Roh, người đã công khai đương đầu với Mỹ và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống và còn rất ít thời gian để thực hiện những kết quả của cuộc gặp.

Moon Jae In rút được kinh nghiệm đó. Ông triển khai tầm nhìn của mình rất nhanh sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, đúng thời điểm một loạt căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên vào tháng 4 năm ngoái. Khi đó, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai tàu sân bay hạt nhân áp sát bán đảo và thổi bùng cuộc khẩu chiến Mỹ - Triều, đe doạ chiến tranh tàn khốc.

Chiến lược kiên nhẫn

{keywords}
 

Chính quyền của Tổng thống Trump tập trung vào việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và gây áp lực ngoại giao với Triều Tiên nhằm đáp trả các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Còn ông Moon, người mà chính phủ tự do của ông không phải là một đối tác truyền thống của chính quyền Trump bảo thủ, đã khôn ngoan không đứng ngoài chiến dịch “áp lực tối đa” đó, dù trong thâm tâm, ông đã vạch một chiến lược khác.

“Khi đó, một số cấp dưới của ông cho rằng do chính sách trừng phạt và áp lực của ông Trump, tiến trình giảm căng thẳng liên Triều lại rơi vào bế tắc. Chúng ta phải phớt lờ Trump” - Kim Hyun Wook, giáo sư Viện ngoại giao quốc gia trực thuộc ̣thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói. “Nhưng Tổng thống Moon không nghe theo họ. Điều đó không đúng. Chúng tôi phải dựa vào liên minh Mỹ - Hàn, rồi từ đó mới xúc tiến giảm căng thẳng liên Triều cùng với nhau”, ông Kim bình luận về chiến thuật mà Nhà Xanh sử dụng.

Trừng phạt và gia tăng áp lực là cách đáp trả theo logic trước hoạt động khiêu khích quân sự, vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an của Triều Tiên. Nhưng đó lại là cách loại Bình Nhưỡng khỏi đàm phán. Nhìn từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bản chất của vấn đề nằm ở mối quan hệ Mỹ-Triều. Nhưng ông Moon cho rằng, "với nền hoà bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, thì đó là chuyện của chúng ta, của Hàn Quốc - những người ngồi sau ghế lái".

Tổng thống Moon tiếp tục đề ra sáng kiến về một quá trình lâu dài, coi trao đổi kinh tế và các hình thức hợp tác giữa hai miền Tiều Tiên như là một cánh cửa đi đến cùng tồn tại hoà bình, rồi mới đi tới thống nhất về thực tế giữa hai quốc gia chủ quyền.

{keywords}
 

Từ đó, một lộ trình đàm phán phi hạt nhân hoá và hoà bình liên Triều có thể tiến triển nhịp nhàng với các hoạt động ngoại giao rộn ràng. Vào tháng 7/2017 tại Berlin, Moon Jae In gây chú ý với bài diễn văn đề cập hy vọng cuộc thống nhất Đông – Tây Đức có thể lặp lại trên bán đảo Triều Tiên, “quốc gia bị chia cắt cuối cùng trên hành tinh này”.

Nhưng bài diễn văn của ông chủ Nhà Xanh lại bị Washington phớt lờ, bởi chỉ vài ngày trước đó Mỹ vừa chứng kiến Triều Tiên lần đầu tiên trở thành một mối đe doạ trực tiếp với đại lục Mỹ với vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. “Chúng ta đã đến đỉnh điểm của vòng xoáy nguy hiểm leo thang quân sự”, ông Moon cảnh báo tại Đức, dù trên thực tế, đỉnh điểm đó vẫn còn chưa tới. 

"Hội nhập kinh tế không chỉ làm lợi cho Triều Tiên, mà còn cho Hàn Quốc một động cơ tăng trưởng mới", Tổng thống Moon Jae In.

Suốt mùa hè và mùa thu 2017, Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo tầm xa và quả bom hạt nhân có sức công phá lớn nhất. Đáp lại ông Trump đưa tàu sân bay USS Carl Vinson tới biển Nhật Bản, sỉ nhục Kim Jong Un là “gã tên lửa” và doạ nhấn chìm Triều Tiên trong "lửa cháy và thịnh nộ”. 

Trước căng thẳng đó, Tổng thống Moon đã tạm thời chuyển hướng sang mối lo ngại trước mắt: tránh một cuộc xung đột huỷ diệt trên bán đảo Triều Tiên. Ông tuyên bố trong một thông điệp rõ ràng với chính quyền Trump vào tháng 8/2017 rằng, không một quốc gia nào được tiến hành hành động quân sự chống lại Triều Tiên mà không có sự đồng thuận của Hàn Quốc, và rằng, “chiến tranh không bao giờ được phép nổ ra một lần nữa trên bán đảo”.

Nhưng khi Triều Tiên vẫn quyết thực hiện một vụ thử hạt nhân khác cùng với những báo cáo về kế hoạch quân sự nguy hiểm của Mỹ không kích Triều Tiên, ông Moon đã phải "giành lấy ghế lái", từ phía hậu trường.

{keywords}
 

Thời khắc quan trọng đến vào tháng 11/2017, khi ông Moon Jae In chiếm trọn cảm tình của Tổng thống Trump trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ đến Hàn Quốc. Người đứng đầu Nhà Xanh xuất hiện đầy ngạc nhiên tại doanh trại quân đội Mỹ nơi ông Trump đang ăn trưa với binh sĩ, sau đó hoan nghênh đề nghị của Tổng thống Mỹ tới thăm khu phi quân sự liên Triều - DMZ.

Rạng sáng ngày hôm sau, ông Moon đã tới DMZ, chờ ông Trump từ 5 giờ sáng đến 9 giờ. Nhưng trực thăng của Tổng thống Trump đã không thể hạ cánh vì sương mù. Dù vậy, cử chỉ thiện chí này đã xây dựng lòng tin giữa hai nhà lãnh đạo.

Người biết lắng nghe

{keywords}
 

Moon Jae In được cho là tuýp lãnh đạo cấp tiến của Hàn Quốc, mà chính quyền Triều Tiên có truyền thống dễ chấp nhận.

Seoul đã gửi đi thông điệp tới Triều Tiên rằng họ sẵn sàng đối thoại bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, và rằng, Tổng thống Moon muốn tận dụng sự kiện Olympic Mùa đông Pyeongchang như là một cánh cửa để khởi đầu đối thoại. Nhưng Triều Tiên không phản hồi, bất chấp một chiến dịch kéo dài nhiều tháng của ông Moon, phối hợp với Uỷ ban Olympic quốc tế nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia.

{keywords}
 

Rồi cuối cùng không phải Tổng thống Moon, mà chính là nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phá băng, với tuyên bố “hoàn tất” chương trình hạt nhân vào cuối tháng 11/2017 sau vụ thử tên lửa tầm xa phức tạp nhất. Trong bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, ông Kim đề xuất cử phái đoàn Triều Tiên tới dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang và mở đầu đối thoại nhằm đi tới hoà bình trên bán đảo. Bài diễn văn được cho là đã "thay đổi tất cả”. 

"Ngay cả nếu ông Kim là một nhà lãnh đạo vô lý, chúng ta phải chấp nhận thực tế ông ấy là lãnh đạo Triều Tiên. Vì thế chúng tôi phải đàm phán với ông ấy", Tổng thống Moon Jae In.

Ngay lập tức, Nhà Xanh bắt tay vào hành động, đề xuất các cuộc đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng, đồng thời bắt đầu phối hợp với chính quyền Tổng thống Trump. Khoảnh khắc quan trọng đã tới chỉ vài ngày sau bài phát biểu của ông Kim Jong Un, khi qua một cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae In, ông Trump đồng ý sẽ “chúc phúc” cho cuộc đàm phán liên Triều và chấp nhận đề xuất của Hàn Quốc về ngừng các cuộc tập trận Mỹ - Hàn cho đến sau kỳ Olympic Mùa đông. 

{keywords}
 

Giai đoạn này Tổng thống Moon đóng vai trò như một “chất xúc tác”, đả thông bế tắc xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Ông đã rất thành công trong vai trò “nhà trung gian” giữa hai nhà lãnh đạo Kim - Trump, khi phái đoàn cấp cao Mỹ và Triều Tiên cùng tới Hàn Quốc những ngày Olympic hồi tháng 2/2018.

Nghệ thuật ngoại giao "tuôn chảy" từ đó: Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên không cần điều kiện tiên quyết; quan chức Hàn Quốc bay từ Bình Nhưỡng tới Washington trao thông điệp ông Kim Jong Un chuẩn bị ngừng thử hạt nhân và tên lửa, đàm phán phi hạt nhân hoá; dẫn đến quyết định của Tổng thống Trump đồng ý gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên; Trung Quốc và Nhật Bản nhảy vào cuộc để tránh bị gạt ra bên lề; nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc sau 65 năm, và đi đến thống nhất về nhiều thành tố quan trọng trong kế hoạch của ông Moon Jae In về giảm căng thẳng liên Triều, hợp tác kinh tế, đặt cái kết chính thức cho cuộc Chiến tranh Tiều Tiên bằng một hiệp định hoà bình và phi hạt nhân hoá bán đảo.

Tỉ lệ ủng hộ ở trong nước với Tổng thống Moon Jae In tăng lên trên 75%, đưa ông một lần nữa trở thành nhà lãnh đạo có uy tín cao nhất trong các nền kinh tế phát triển.

Ông Chung In-moon, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Moon Jae In về đối ngoại và an ninh quốc gia, nhận xét, sức mạnh của Tổng thống Moon là “người biết lắng nghe”, một nhà trung gian hiệu quả, một người đầu óc thoáng đạt. “Ông Roh thực sự quan tâm đến tên tuổi của mình trong lịch sử. Còn Moon Jae In không quan tâm. Ông ấy rất thực tế” – ông Chung In-moon bình luận.

Sau Olympic Pyeongchang, Tổng thống Moon tiếp tục “duy trì vai trò như một người phát ngôn của Triều Tiên”, ông thăm dò quan điểm của Triều Tiên một cách rõ ràng nhất - ông Han Sung-joo, cựu ngoại trưởng Hàn Quốc từng giúp thương lượng thoả thuận giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đầu tiên vào đầu thập niên 1990, nhận xét.

Phía sau ánh đèn sân khấu

{keywords}
 

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể là những người luôn xuất hiện trên các dòng tít lớn, nhưng Moon Jae In mới là người chèo lái toàn bộ tiến trình. Chỉ trong vòng 8 tháng, ông đã giữ Trung Quốc ở bên lề, thúc đẩy Triều Tiên đưa vấn đề phi hạt nhân hoá lên bàn đàm phán, ngăn cản Mỹ khỏi nguy cơ một cuộc tấn công phủ đầu và bước tới bàn đàm phán với Bình Nhưỡng. Những hoạt động nhạy bén và linh hoạt của ông đã giúp thúc đẩy một tiến trình chính trị an toàn hơn cho chính quyền Trump trong đàm phán với Bình Nhưỡng, một viễn cảnh không ai nghĩ đến chỉ vài tháng trước đây.

Có thông tin nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể sẽ tham dự một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại Singapore với Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuy nhiên, cuộc gặp này còn tuỳ thuộc vào tiến triển trong đàm phán tiền thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên.

Những ngày này, những công tác chuẩn bị cuối cùng, bao gồm chuẩn bị hậu cần và các cuộc đàm phán thực chất của đội ngũ quan chức cấp cao hai bên trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đang diễn ra tất bật. Sự kiện ngày 12/6 dường như chỉ còn chờ đồng hồ đếm ngược, và khi đó ông Moon Jae In sẽ hoàn toàn hài lòng nhường ánh đèn sân khấu cho người khác.

Theo Báo Tin tức

Tiết lộ những bí mật an ninh, hậu cần tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Tiết lộ những bí mật an ninh, hậu cần tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Các công tác an ninh và hậu cần đã gần như được hoàn tất, sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Bạn thân Jong Un sẽ tới Singapore dịp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bạn thân Jong Un sẽ tới Singapore dịp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cựu sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người thân thiết với ông Kim Jong Un, dự kiến sẽ có mặt ở Singapore dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Hình ảnh khách sạn tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều

Hình ảnh khách sạn tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều

Nhà Trắng vừa thông báo, địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được mong đợi từ lâu là khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Chông gai nhưng đầy hy vọng

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Chông gai nhưng đầy hy vọng

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt đẹp và một viễn cảnh tươi sáng đang chờ đợi ở phía trước.

Singapore phát hành tiền xu kỷ niệm thượng đỉnh Mỹ - Triều

Singapore phát hành tiền xu kỷ niệm thượng đỉnh Mỹ - Triều

Cơ quan đúc tiền Singapore vừa phát hành ba đồng tiền xu in dòng chữ "Hòa bình thế giới" để kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra ở nước này.