Mỹ và Triều Tiên đã đấu khẩu gay gắt tại một diễn đàn của Liên Hợp Quốc ngày 22/8. Đại sứ Triều Tiên tuyên bố sẽ "không bao giờ" đặt năng lực ngăn chặn hạt nhân trên bàn đàm phán.

Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp cấm vận của Liên Hợp Quốc. Các động thái leo thang khiến cho cuộc khẩu chiến giữa nước này và Mỹ xảy ra thường xuyên.

{keywords}
Căng thẳng Triều Tiên và Mỹ lên tới đỉnh điểm trong những ngày vừa qua. 

Gần đây nhất, chính quyền ông Kim Jong Un dọa sẽ nã tên lửa về phía đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, viện dẫn Washington gây hấn, chẳng hạn như tiến hành các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ Robert Wood phát biểu tại Hội nghị về Giải trừ vũ khí do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở Geneva rằng, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Donald Trump là bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước "mối đe dọa ngày càng lớn" từ Triều Tiên, và Mỹ sẵn sàng sử dụng "tất cả các năng lực" sẵn có.

"Con đường đối thoại vẫn là một lựa chọn" cho Bình Nhưỡng và nước này có lựa chọn giữa một bên là "đói nghèo và hiếu chiến" với một bên là "thịnh vượng và được chấp nhận".

Đại sứ Triều Tiên tuyên bố tại cùng diễn đàn này rằng năng lực ngăn chặn hạt nhân của nước ông sẽ không bao giờ được đem ra đàm phán. Nhà ngoại giao này lặp lại cáo buộc Mỹ "hiếu chiến".

"Các biện pháp của CHDCND Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân và phát triển tên lửa liên lục địa là một lựa chọn hợp pháp và đúng đắn để phòng vệ khi đối mặt với các mối đe dọa thực sự", ông Ju Yong Chol nói tại diễn đàn, ám chỉ "các đe dọa hạt nhân liên tục" của Mỹ.

Nhắc đến cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu hôm 21/8, vị đại sứ cảnh báo: "Cuộc phiêu lưu quân sự đang diễn ra chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào lửa, khiến tình hình căng thẳng hiện tại xấu thêm".

Nhật – nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên – kêu gọi thế giới tiếp tục gây sức ép để buộc chính quyền ông Kim Jong Un kiềm chế chương trình hạt nhân, và giờ không phải lúc để nối lại đàm phán đa phương.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono khẳng định áp lực phải được duy trì cho đến khi nào Triều Tiên thể hiện sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân.

"Đây không phải lúc bàn đến (nối lại) đối thoại sáu bên", ông nói, đề cập tiến trình đàm phán gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. "Đây là lúc phải gây sức ép".

Theo Reuters, đại biểu từ khoảng 20 quốc gia đã phát biểu tại hội nghị kéo dài 4 giờ đồng hồ của Liên Hợp Quốc, trong đó có Anh, Pháp, Australia và Hàn Quốc. Tất cả đều chỉ trích Triều Tiên.

"Tôi muốn nhắc lại kêu gọi CHDCND Triều Tiên hãy lắng nghe thực tế rằng không có lựa chọn nào ngoài việc ngừng khiêu khích và trở lại với đối thoại", Đại sứ Hàn Quốc Kim Inchul phát biểu. "Chúng tôi chưa bao giờ đe dọa Triều Tiên bằng một cuộc tấn công nào, và chúng tôi cũng chưa từng cổ vũ sử dụng vũ lực".

Thanh Hảo