- Kỷ luật nghiêm ngặt, ban tới 6 lệnh cấm cho học trò, nhưng thuyền trưởng tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo chưa gì đã làm nhen lên nỗi lo với lựa chọn rất giống người tiền nhiệm Hữu Thắng, trong cảnh vừa xay lúa vừa bế em...
Công thức 2 trong 1
Phải bắt đầu bằng câu chuyện, vào lúc này VFF khó có thể đảm đương việc cùng một lúc phải trả lương cho 2 HLV ngoại để tách bạch hoàn toàn công việc cũng như mục tiêu của nhau. Chính bởi thế, một lần nữa HLV Park Hang Seo tiếp tục phải ôm 2 đội tuyển trong cùng một thời điểm.
Không còn cách nào khác, bởi từ đây cho tới giải đấu giao hữu ở Thái Lan với U23 chuẩn bị cho VCK châu Á vào năm 2018 thực sự không còn nhiều, cùng lúc đội tuyển Việt Nam cũng còn 2 trận đấu ở vòng loại Asian Cup để buộc thầy Park phải gộp hay nói cách khác trộn chung các tuyển thủ U23 với lứa đàn anh ở ĐTVN.
Tuyển Việt Nam trước đây cũng thường sử dụng công thức 2 trong 1 |
Cách làm này thực tế không phải là mới mẻ, bởi trong quá khứ rất ít thuyền trưởng của tuyển Việt Nam không tranh thủ, hoặc nếu có tách bạch hẳn giữa 2 tuyển Việt Nam và U23 thì là bởi các cầu thủ đàn em chưa thể cạnh tranh với đàn anh, hoặc đơn giản nhất 2 giải đấu với 2 đội tuyển diễn ra song song cùng một thời điểm.
Câu chuyện “vừa xay lúa, vừa bế em” kéo dài xuyên từ thời ông Calisto, Riedl, cho đến ông Miura, rồi Hữu Thắng gần đây như một truyền thống không thể thay đổi của bóng đá Việt Nam.
Và hệ luỵ đến từ nền bóng đá chưa chuyên
Nói như trên không có nghĩa những Văn Hậu, Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường... chưa “đủ tuổi” để khoác áo đội tuyển mà ngược lại họ vô cùng xứng đáng khi đã được trui rèn đôi năm qua ở đội 1 của bóng đá Việt Nam, nhưng rõ ràng cách làm này thực sự chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Chưa hiệu quả nằm ở việc đến giờ ngoài chiến thắng ở AFF Cup vào năm 2008, gần như bóng đá Việt Nam đã thất bại từ cấp độ đội tuyển cho đến các lứa U23 ở SEA Games vì nhiều lý do, và trong đó có cả câu chuyện quá tải.
HLV Park Hang Seo gặp không ít khó khăn khi "ôm" 2 trong 1 |
Sẽ không đơn giản cho HLV Park Hang Seo khi mà gần 1 năm qua những người trẻ như Công Phượng, Văn Hậu rồi Văn Toàn... hầu như không có thời gian nghỉ khi liên tục chuyển từ CLB lên đội tuyển xuống U23 rồi về lại CLB. Thậm chí hậu vệ Văn Hậu còn được sử dụng luôn tại U19, U20 Việt Nam khi cần thiết.
Các cầu thủ trẻ rõ ràng cần được thi đấu đỉnh cao để cọ xát, để lấy thêm kinh nghiệm nhưng không phải hoàn toàn theo cách tham dự các giải đấu với áp lực thành tích cao như đã thấy ở Công Phượng hay những cầu thủ từ U23 Việt Nam khác.
Chưa nói đến câu chuyện tâm lý khi thất bại, chỉ riêng vấn đề làm cách nào duy trì được tốt phong độ lẫn niềm cảm hứng chơi bóng thôi cũng đã là cả một câu chuyện dài trong bối cảnh bóng đá Việt Nam cho tới các cầu thủ không phải khi nào cũng chuyên nghiệp.
Một cách làm tương đối cũ, cũng như khá bất cập nhưng cũng chẳng có cách nào khác khi mà bóng đá Việt Nam vẫn đang cần một cú hích về thành tích, thế nên cũng đành phải tin vào “chiếc đũa thần” của ông Park Hang Seo mà thôi.
Mai Anh