- "Việc tinh giản biên chế công chức sẽ theo tiêu chí ra 2 vào 1, không phải ra bao nhiêu tuyển vào bấy nhiêu như trước đây" - Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ hôm nay, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế Thái Quang Toản cho biết, khó nhất trong tinh giản theo nghị định 132 là trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ.

{keywords}

Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế Thái Quang Toản cho rằng việc tinh giản ít nhất 10% cán bộ, công chức là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Tính quyết đoán  của người đứng đầu từ các bộ ngành đến địa phương chưa thể hiện nên chưa thực hiện được" - theo ông Toản phân tích.

Trong khi đó, nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đưa ra định hướng tinh giản biên chế tối thiểu 10% gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Theo quy định, các trường hợp tinh giản biên chế gồm những công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực yếu. Đối với viên chức, họ bị tinh giản khi có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm bị đánh giá "năng lực chuyên môn hạn chế".

Dù quy định chi tiết tưởng có thể thực hiện ngay nhưng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chỉ ra tại họp báo, lại còn vướng một thực tế nữa.

“Dư luận cho rằng 30% công chức không làm được việc nhưng các bộ ngành địa phương báo cáo lên thì hầu hết hoàn thành tốt với xuất sắc nhiệm vụ. Đấy là mâu thuẫn”, ông Tuấn thẳng thắn.

"Ra 2 vào 1"

Theo đó, Thứ trưởng cho biết Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định đánh giá phân loại cán bộ công chức. Trong đó có quy định rất cụ thể các tiêu chí phân loại các bộ công chức để làm công cụ cho người đứng đầu đánh giá. Dựa trên các tiêu chí này, cán bộ công chức cứ "dính" một tiêu chí thì không hoàn thành nhiệm vụ. 

{keywords}
Người dân chấm điểm công chức tại trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh T.H

"Việc tinh giản lần này theo tiêu chí ra 2 vào 1 chứ không phải ra bao nhiêu tuyển vào bấy nhiêu như trước đây" - ông Tuấn bổ sung thêm.

Đặc biệt, việc tinh giản biên chế lần này do các đơn vị tự xây dựng kế hoạch gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bộ công chức sẽ được dựa trên các tiêu chí cụ thể để phân biệt người tốt, người không tốt.

“Việc tinh giản biên chế đòi hỏi người đứng đầu phải bản lĩnh để tinh giản đúng người và đảm bảo đoàn kết trong nội bộ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng bản thân từng cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức rõ điều này vì "nhiều trường hợp làm công chức chưa chắc phát huy năng lực nhưng khi chuyển sang doanh nghiệp, lĩnh vực khác thì làm tốt. Đây là cơ hội phát huy sở trường của mỗi người trên từng lĩnh vực chứ không phải để đẩy ra khỏi khu vực nhà nước".

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết khi các đơn vị thực hiện việc tinh giản phải công bố con số cụ thể. Như Bộ Nội vụ đã đặt ra tỉ lệ tinh giản biên chế thời gian tới là 15%.

"Việc tinh giản sẽ phải chịu sự giám sát của các cơ quan đảng, các tổ chức chính trị xã hội và trước nhân dân để tránh tình trạng tinh giản những người có năng lực nhưng bị trù dập hoặc những người lẽ ra phải tinh giản lại không bị" - ông cho biết thêm

Theo nghị định 132, từ năm 2005-2011 mỗi năm tinh giản được 1% cộng với số cán bộ nghỉ hưu đúng tuổi 2,44%, tinh giản mỗi năm đạt 3,44%. Trong khi đó, nếu "ra 2 vào 1" theo tinh thần nghị quyết 39,  mỗi năm tương đương với tỉ lệ tinh giản 1,72%. Do đó, tinh giản 10% trong 7 năm là nhiệm vụ khả thi.

"Kỳ này cứ 2 người đưa ra chỉ lấy vào 1 người thì đảm bảo đạt được mục tiêu" - ông nói.

Người được phong hàm toàn người rất giỏi

Trả lời báo chí về tình trạng hiện nay nhiều cơ quan có nhiều chức danh hàm vụ trưởng, vụ phó, trong khi chưa có văn bản nào quy định, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định không có tình trạng phong hàm tràn lan.

Ông Tuấn cho biết việc phong hàm chủ yếu ở các cơ quan TƯ. Thường đây là những người rất giỏi nhưng hết tuổi hoặc hết tiêu chuẩn phong cấp phó thì phong hàm cho họ để có vị thế trong công việc.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng cần xác định tiêu chuẩn cấp hàm để tránh tùy tiện. Vấn đề này Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp.

Thu Hằng