- Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối qua, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đưa ra 6 giải pháp tinh giản biên chế, tránh tình trạng "đánh trống, bỏ dùi".
Xin chuyển đến Bộ trưởng câu
hỏi đầu tiên của một cán bộ quản lý nhân sự: "Tôi quan tâm đặc biệt đến kế hoạch
tinh giản biên chế mới của Nhà nước, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm đáng
chú ý của chương trình tinh giản biên chế mới này để chúng ta có thể đạt được
hiệu quả cao?"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Đề án tinh giản biên chế lần này có mục đích cơ
cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ công chức, viên chức. Chọn lựa được những người có đức, có tài vào hoạt
động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tinh giản biên chế sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành
chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công
chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Giải pháp thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng |
Yêu cầu là tuyên truyền để thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực
hiện, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.
Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện đề án, chỉ rõ
trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhất là xác định trách nhiệm và
thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu
lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một lá thư khác gửi về chuyên mục hỏi: "Tôi là một công chức cấp xã có thâm
niên, xin hỏi Bộ trưởng tôi có phải là đối tượng tinh giản biên chế trong đợt
này hay không?"
Phạm vi điều chỉnh của đề án gồm tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, sự
nghiệp công lập của cả hệ thống chính trị, gồm tất cả cán bộ, công chức, viên
chức từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn.
Đây là một nội dung các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quan tâm. Khi tiến hành
triển khai đề án, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về
tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở đó tổ chức thực hiện và trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu
rất quan trọng trong việc quyết định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức.
Một người dân gửi thư về chương trình viết: "Mười năm qua nước ta đã thực
hiện tinh giản biên chế 3 lần, nhưng tôi để ý thấy chưa lần nào đạt được kết quả
như mong muốn. Như Bộ trưởng đã từng báo cáo trước Quốc hội đến năm 2013, sau 10
năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng
thêm, bộ máy ngày càng phình to. Vậy tôi muốn hỏi Bộ trưởng sẽ có biện pháp gì
để kế hoạch 7 năm tinh giản biên chế lần này đạt được mục tiêu đề ra, tránh tính
trạng đánh trống, bỏ dùi?"
Đề án về tinh giản biên chế đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai, tổ chức chỉ
đạo thực hiện, cụ thể là:
Giải pháp thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức
và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cho cán bộ, công chức, viên chức và để
tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện.
Giải pháp thứ hai là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng
tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, để
trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giải pháp thứ ba là tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn
tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ
chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án, chỉ tuyển dụng mới không quá 50%
số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà
nước.
Giải pháp thứ tư là xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị
trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý.
Giải pháp thứ năm là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu
đột phá.
Giải pháp thứ sáu là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá
trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức.
Theo tôi, những giải pháp này có những điều mới so với những kế hoạch, đề án
trước đây. Đó là xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định biên chế phù
hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai là trong thực hiện, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch
tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Thứ ba là giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện tinh
giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vậy bao giờ thì chương trình tinh giản biên chế này sẽ thực sự bắt đầu và
những giải pháp này sẽ được áp dụng trên thực tế, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Trong năm 2015 chúng ta sẽ tiến hành và đề án này sẽ
kéo dài đến năm 2021.
PV