- Hàng loạt chứng cứ có dấu hiệu ngụy tạo bị lật tẩy nhưng cơ quan tố tụng vẫn dựa vào đó để kết tội ông Huỳnh Văn Nén và đại gia đình bên vợ của ông.
Ai là hung thủ “kỳ án vườn điều”?
Ở “kỳ án vườn điều”, ông Nén và 9 người bên gia đình vợ được chính thức giải oan cuối năm 2005. Nhưng hung thủ vụ án đến nay vẫn là bí ẩn.
Ông Nguyễn Thận đeo đuổi vụ án Huỳnh Văn Nén 15 năm nay |
Vào thời điểm xảy ra “kỳ án vườn điều”, ông Nguyễn Thận là trưởng công an xã Tân Minh, có mặt tại hiện trường ngay từ giai đoạn đầu. Ông Thận khẳng định, lúc đó có khoanh vùng nghi can giết bà Dương Thị Mỹ để cướp, nếu cơ quan công an thực sự quan tâm, ông sẽ cung cấp các thông tin nghi vấn giúp tìm ra hung thủ thực sự của vụ án.
Những nghi can mà ông Thận tình nghi là hung thủ, ông cho biết vẫn theo dõi, nghe ngóng nhiều năm nay. Ông biết họ rời hỏi địa phương ngay thời điểm bà Mỹ bị giết và từ đó đến nay có đời sống ẩn dật...
Từ những ghi nhận tại hiện trường, đến giờ ông Thận vẫn suy đoán: bà Mỹ bị sát hại ở một nơi khác; kẻ thủ ác mang đến khu vườn điều chỉ để phi tang.
Trong quá trình “gán ghép” tội danh cho 10 bị can trong “kỳ án vườn điều", bị can Nguyễn Thị Nhung đã qua đời vì bệnh tật năm 2001 nên được đình chỉ điều tra, trước khi mất vẫn còn tức tưởi, oan ức...
Cơ quan điều tra ban đầu xác định bà Nhung có vai trò cầm đầu nhưng khi bà này qua đời, nên từ phiên xét xử sơ thẩm lần đầu trở đi (tháng 3/2001), cơ quan tố tụng chuyển vai trò chủ mưu sang cho bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ ruột bà Nhung).
Một sai lầm không đáng có trong “kỳ án vườn điều” là trường hợp Lê Thanh Vân (SN 1979, con của 2 bị can Nguyễn Thị Nhung – Trần Văn Sáng).
Năm 1993, khi xảy ra “kỳ án vườn điều”, Vân mới 14 tuổi nhưng cơ quan tố tụng vẫn bắt giữ, tạm giam 10 tháng. Tình tiết này bị luật sư phát hiện, sau đó Vân được trả tự do...
Ngôi nhà đơn sơ của ông Huỳnh Văn Nén. |
Anh ruột của Vân là Trần Thanh An, khi xảy ra vụ án mới chỉ 16 tuổi, cũng bị tạm giam 13 tháng.
Chứng cứ ngụy tạo vụng về
Đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành chỉ đích danh 2 kẻ giết hại bà Lê Thị Bông được giao cho điều tra viên Cao Văn Hùng xác minh, nhưng bị lãng quên rất khó hiểu. Hàng loạt chứng cứ, nhân chứng ngụy tạo liên quan đến 2 vụ án được cung cấp...nhưng các cơ quan tố tụng làm ngơ, bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng.
"Kỳ án vườn điều” có tang vật là con dao mà bị can Nguyễn Thị Lâm dùng gây án, góp phần gây nên cái chết của nạn nhân Mỹ. Từ lời khai của ông Nén, cơ quan công an đã khai quật nhưng hình dạng con dao hoàn toàn khác lời khai của ông Nén.
Khi khai quật con dao, ông Trịnh Văn Quang – cán bộ tư pháp xã Tân Minh, làm nghề chụp ảnh, được nhờ chụp hình việc khai quật. Sau 5 năm lưu trữ, con dao trở thành những mảnh sắt vụn, cơ quan tố tụng...đổ lỗi cho việc bảo quản. Khi xử án, họ có trưng ra bản ảnh trắng - đen nhưng ông Quang, tại tòa khẳng định, ông chỉ chụp ảnh màu, hoàn toàn không có trắng đen. Vậy ai ngụy tạo ra chứng cứ, bản ảnh trắng - đen này?
Hay tình tiết lá thư nạn nhân Mỹ hẹn hò ông Sáng gặp tại vườn điều mà bà Nhung (vợ ông Sáng) khi giặt đồ phát hiện ra, từ đó tổ chức đánh ghen, giết chết nạn nhân Mỹ...cũng bị các nhà báo, luật sư phản bác. 4 phiên tòa xử 10 bị cáo “kỳ án vườn điều”, ai cũng nghe mà không thấy lá thư đó, nhưng đến phiên tòa đầu tháng 3/2005 thì lá thư xuất hiện...
Bà Mỹ vốn không biết chữ. Cơ quan tố tụng đưa nhân chứng Trần Thị Phi Yến, bà này xác nhận đã viết dùm thư cho bà Mỹ khi đang “nằm ổ”, vừa sinh con 20 ngày. Nhưng luật sư nhanh chóng “bẻ” tình tiết này khi trưng ra giấy khai sinh của con bà Yến, thể hiện bà Yến sinh con 12/3/1993, trong khi lá thư bà Mỹ hẹn ông Sáng “tối nay” là đêm xảy ra vụ án 19/5/1993.
Công tố viên trình bày do nhớ nhầm ngày viết thư là ngày âm lịch, nhưng càng chứng tỏ đây là sự tạo dựng vụng về.
Trong 2 vụ trọng án mà cơ quan tố tụng cáo buộc ông Nén là hung thủ gây án, nhiều chứng cứ có dấu hiệu tạo dựng vụng về. |
Riêng vụ án bà Bông, chứng cứ bỏ quên ngay từ ban đầu là những dấu vết. Được biết, khi phát hiện bà Bông bị giết hại, tại hiện trường trên ghế salon trong nhà có 3 vết chân không dép. Nhận định là của 2 người khác nhau, nhưng cơ quan điều tra không truy nguyên những dấu chân này là ai? Cũng không đối chứng với dấu chân của ông Nén.
Việc bỏ quên lá đơn tố cáo của anh Thành về 2 hung thủ thật sự, từ đó cũng bỏ qua những nhân chứng như: anh Thành hay Huỳnh Văn Nghĩa (xe ôm chở nghi can Nguyễn Thọ và Thành đi bán vàng)... Một nhân chứng khác là ông Chín Chè - người được xác định là thuê ông Nén làm việc trong khoảng thời gian bà Bông bị giết, luật sư và báo chí đã chỉ điểm, nhưng cơ quan tố tụng vẫn "bỏ quên" nhân chứng quan trọng này.
Một tình tiết thể hiện dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án của điều tra viên Cao Văn Hùng là xác nhận Nguyễn Thọ bỏ đi khỏi địa phương từ năm 1997, trước thời điểm bà Bông bị giết.
Đó là giai đoạn anh Thành có đơn tố cáo gửi đi từ trại giam Sông Cái, điều tra viên đã nhờ một người bạn, là phó trưởng công an xã Tân Minh, xác nhận giúp Nguyễn Thọ bỏ đi khỏi địa phương năm 1997. Ông Nguyễn Thận khi đó là Chủ tịch xã kịp thời phát hiện, yêu cầu trưởng và phó công an xã tiến hành xác minh, báo cáo bằng văn bản viết tay với nội dung xác nhận rõ, trước, trong và sau thời điểm bà Bông bị sát hại, Nguyễn Thọ ở đâu? làm gì? viết thành nhiều bản gửi cho cơ quan CSĐT công an Bình Thuận, lưu giữ tại xã.
Các văn bản xác nhận này thể hiện, Nguyễn Thọ chỉ rời Tân Minh sau khi bà Bông bị sát hại. Hiện các bản xác nhận viết tay của trưởng, phó công an xã thời đó, ông Nguyễn Thận vẫn còn lưu giữ.
Bài 3: Chuyện 7 nhà báo ký đơn kêu oan cho Huỳnh Văn Nén
Đàm Đệ