- Đêm 21 rạng sáng 22/12/1972, những chiếc B52 của không quân Mỹ ném hơn 100 quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai, một trong những cơ sở y tế thuộc trung ương lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. 28 bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đã hy sinh. Những đồng nghiệp của họ, những người còn sống, kể về thảm kịch ấy.

Trời rét căm căm. Bệnh viện Bạch Mai vắng vẻ và yên lặng vì phần lớn các bác sĩ và bệnh nhân đã được sơ tán. Mỗi khoa chỉ giữ lại còn khoảng ba, bốn bác sĩ và điều dưỡng. Hôm nay là ca trực của bác sĩ Nguyễn Bá Kinh, khoa ngoại.

Chàng bác sĩ trẻ đã đưa vợ con về quê sơ tán và quyết định "dọn nhà" vào trong bệnh viện. Đêm 21/12, vì không có bệnh nhân, chàng bác sĩ 30 tuổi ngủ gà gật trong phòng trực nhỏ rộng gần 12 mét vuông. Khi còi báo động vang lên, anh nhanh chóng chạy xuống hầm trú ẩn.

Đài tưởng niệm 28  bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý… dựng trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai, nhắc về một thời đạn bom và sự hy sinh cao cả của người thầy thuốc. Ảnh: Hà Minh

Bệnh viện thành bình địa

Ở phố Kim Liên, cách bệnh viện Bạch Mai không xa, khi thấy bom nổ ở phía bệnh viện, Giám đốc bệnh viện giai đoạn 1969 - 1982 Đỗ Doãn Đại bồn chồn nóng ruột. Tiếng bom vừa ngừng, ông hối hả dắt xe đạp phóng đến cơ quan. Năm phút sau, bác sĩ Đại tới nơi, vừa đúng lúc gặp các bác sĩ khoa ngoại chui lên từ dưới hầm. Các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa khác cũng đã lên mặt đất. Đập vào mắt họ là cảnh điêu tàn, đổ nát. Dưới sức công phá của hơn 100 quả bom, nơi mà nhiều người trong số họ từ lâu đã coi như nhà của mình giờ đang chìm trong khói và bụi. Tiếng khóc, tiếng kêu cứu, tiếng rên rỉ vang vọng khắp nơi.


Bác sĩ Đại đi vòng quanh bệnh viện để thị sát tình hình. "Có những khu không còn chỗ len chân vì gạch đá và cây cối đổ ngáng hết đường đi". Ông hết sức trấn an nhân viên trên mặt đất cố gắng giữ bình tĩnh để cứu các nạn nhân. Đội xây dựng của thành phố được điều đến để giúp các bác sĩ tháo những tấm bê tông bị sập. Ông Đại đề nghị các nhân viên nhà bếp phải cấp tốc nấu cháo và chuẩn bị nước đường, vừa để phục vụ các bác sĩ cứu chữa, vừa để đưa xuống hầm cho các nạn nhân. "Đã là bếp thì phải luôn đỏ lửa, hãy tận dụng tất cả những gì còn lại để nấu cháo", ông giải thích. Gặp nhân viên tổ điện và tổ nước, ông yêu cầu khẩn trương vận hành máy phát điện và xây lại đường nước. Ông cũng yêu cầu các bác sĩ tìm kiếm và tiệt trùng dụng cụ, dọn dẹp hầm, chuẩn bị sẵn sàng phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.

"Tối hôm đó không phải ca trực của tôi nhưng sau khi biết bệnh viện bị đánh bom, khoảng hơn 4h sáng tôi đã tới bệnh viện", ông Đỗ Thọ, phụ trách hệ thống điện của bệnh viện kể. 

Ông Thọ nhớ lại : "Lúc đó các đường nước đều bị phá hủy. Nhân viên bệnh viện đã phải dùng một chiếc máy bơm cũ bơm nước từ dưới giếng lên. Vì máy bơm quá cũ nên trong một tiếng, chúng tôi chỉ bơm được khoảng 2,3 mét khối nước. Thành phố cũng đã điều tới nhiều xe chở nước để hỗ trợ".

Cắt thi thể đồng nghiệp để cứu người

Rạng sáng, công tác cứu chữa bắt đầu. Khu nhà B nơi có khoa Da liễu và khoa Tai - Mũi - Họng là nơi bị hủy hoại nặng nề nhất. Bom khoan sâu làm đổ sập tường. Các mảng bê tông chặn cửa xuống hầm, các y bác sĩ của khoa Da liễu bị kẹt bên trong. Có những lối vào hầm quá nhỏ hẹp, các bác sĩ phải bò vào hầm để xem xét tình hình.

"Nhiều lúc, chúng tôi bò được vào sâu bên trong, chỉ còn cách nạn nhân khoảng 10-15cm nhưng chưa thể cứu họ ra ngoài nên đành bảo họ đưa tay để bắt mạch", ông Đại kể. Vì khoa Ngoại gần khoa Da liễu nên các bác sĩ khoa Ngoại được điều động tới phối hợp cùng với công nhân xây dựng tiến hành tháo dỡ bê tông và cứu chữa nạn nhân. Ông Đại vẫn nhớ, đoạn đầu ngách hầm tấm bê tông đè chết hộ lý Hoàn Kim Thoa (39 tuổi). Thi thể của chị chắn ngang lối vào hầm, những người bị kẹt trong hầm kêu gào: "Các anh ơi, cứu chúng em với, cứu chúng em với".

Các bác sĩ và những cứu hộ đành nén đau thương chọn phương sách cắt thi thể người hộ lý làm ba phần để nhanh chóng cứu được những người phía trong. Bác sĩ Kinh và bác sĩ Luân được chọn để làm việc này. "Hai chúng tôi đã cũng nhau quỳ xuống đất, khấn xin chị Thoa tha tội bất kính trước khi chui vào hầm tiến hành cắt thi thể chị", bác sĩ Kinh bồi hồi nhớ lại, nước mắt rơm rớm. "Chúng tôi thay nhau bò vào hầm, mò mẫm trong bóng tối tiến hành công việc". Sau khi đã cắt rời thi thể của chị đồng nghiệp, các bác sĩ dùng dây thừng kéo ra ngoài sau đó khâu lại. Trong lúc đó, các bác sĩ khác phải tìm cách trấn an các nạn nhân, khuyên họ bình tĩnh để giữ sức, không nên kêu khóc quá nhiều. Bác sĩ Đại nhớ lại: "Tất cả những khuôn mặt quen thuộc mà phần lớn còn rất trẻ đều bị biến dạng bởi bom. Tôi chỉ có thể nhận ra chị Quất nhờ chiếc răng cửa bằng vàng của chị, nhận ra chị Lan nhờ ngón tay đeo một chiếc nhẫn vàng". Ông thậm chí đã phải dùng dao mới có thể tháo được chiếc nhẫn khỏi tay bác sĩ Lan để sau đó trao lại kỉ vật cho người nhà của chị.

"Họ đều là bạn của tôi"

Chị Đỗ Thị Thanh Nhàn, điều dưỡng ở khoa Nhi nhớ lại: "Sau khi còi báo yên ngừng kêu, các nhân viên khoa Nhi trở lên mặt đất. Tòa nhà khoa Nhi rất may mắn không trúng bom trong khi các tòa nhà khác gần như bị phá hủy hoàn toàn". Khu nhà tập thể nơi chị sinh sống cùng gần 50 anh chị em khác của cơ quan cũng bị phá hủy. Chiếc xe đạp Thống Nhất của chị bị bom làm văng xa tới vài chục mét.

Không chần chừ, chị cùng các đồng nghiệp khác tham gia cứu chữa các nạn nhân còn kẹt dưới hầm. "Đau thương và kinh hãi vô cùng. Chúng tôi vừa làm vừa lo lắng B52 sẽ quay lại. Tôi chắc không bao giờ có thể quên chị Lan làm việc ở tổ điện và hai sinh viên trực đêm đó ở khoa nội tới tận hai ngày sau khi tìm thấy xác, mặt chị tím bầm, người trương phềnh vì nước ngập".

"Trong số các nạn nhân còn có chị Diên đang mang bầu ba tháng, em Liên, em Thạch mới có người yêu. Đêm ấy, em của Liên vào bệnh viện cùng chị và cũng gặp nạn. Tất cả đều là những đồng nghiệp thân quen của tôi. Họ nằm đó, thân thể biến dạng", chị Nhàn kể, giọng run run. Tất cả những thi thể tìm thấy được đặt cạnh nhau trên cáng và chuyển xuống nhà xác để khâm liệm. Lễ khâm liệm cũng diễn ra đơn giản, chóng vánh vì lo sợ sẽ lại có những đợt đánh bom mới. Sau trận bom đó, 28 y, bác sĩ của bệnh viện đã vĩnh viễn ra đi.

Sau ngày 26/12, công việc tìm kiếm nạn nhân kết thúc khi các công nhân xây dựng tới làm việc tại Khâm Thiên vì khu phố đông dân Khâm Thiên cũng vừa phải hứng chịu một trận đánh bom ác liệt. Trong đoàn cứu hộ đi tới Khâm Thiên ấy có một nhóm bác sĩ Bạch Mai. Trước đó, khi được các công nhân hỏi ý kiến về việc có chắc chắn rằng không còn nạn nhân nào dưới đống đổ nát tại bệnh viện hay không, ông Đỗ Doãn Đại đã can đảm đưa ra quyết định ngừng cuộc tìm kiếm. Sau này, khi xây dựng lại bệnh viện, chính ông là người đi kiểm tra từng ngõ ngách, viên gạch, bê tông để xem có sót thi thể nào ngày ấy không. "Thật may, quyết định ấy đã đúng", ông thở phào nhẹ nhõm.

Các bác sỹ lại tiếp tục công việc cao cả của mình, bất chấp những mất mát, đau thương hay những thiếu thốn về điều kiện làm việc. "Mỗi bác sĩ là một chiến sĩ trên chiến trường. Họ luôn cố gắng làm hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân", ông Đại tự hào nói.

Hà Minh

Xem "rồng lửa" phòng không rời bệ phóng
Trong đội hình chiến đấu của 12 ngày đêm rực lửa trên bầu trời Hà Nội năm 1972, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 “siêu pháo đài bay B52".
 
Làm báo thời B52
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành không thể quên bức ảnh chụp trận đánh ngay ở trận địa gần hồ Trúc Bạch. Vài ngày sau, trận địa ấy bị phá hủy hoàn toàn. Cả một nhóm kỹ sư trẻ tốt nghiệp ĐH Bách Khoa đã hy sinh.
 
Hồ Hữu Tiệp, nơi chiến tranh còn đó
Cách đây đúng 39 năm, quân và dân Hà Nội đã lập chiến công bắn rơi 34 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B52. Một chiếc B52 đã bị “rồng lửa Thăng Long” đốt cháy và rơi xuống hồ Hữu Tiệp, nay thuộc phường Ngọc Hà.