- Bán gạo do mình sản xuất cho DN giá 5.000 đồng/kg nhưng phải mua 12.000 đồng/kg để ăn, nông dân ở An Giang chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp nghịch lý mà họ đang chịu thiệt.

Hội nghị giám sát công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Quốc hội được truyền hình trực tiếp sáng nay trở thành cuộc "chất vấn" chưa từng có trong tiền lệ với sự hiện diện của hơn 30 nông dân đại diện cho các tỉnh nông nghiệp trên khắp cả nước. 

Không giấy, không bất cứ tài liệu nào chuẩn bị trước, những người nông dân đã chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát từ chuyện của chính mình.

Gánh nặng thuế

Ông Trần Văn Sữa, nông dân ở Long An cho hay, ở địa phương ông có trên 40 nghìn hộ sản xuất 105 ha nông nghiệp theo mô hình liên kết nông dân và DN. Toàn bộ sản xuất của nông dân được DN bao tiêu, thu mua và chính sách lợi nhuận kỳ vọng cho nông dân là lãi 30% trên diện tích sản xuất của mình.

{keywords}
Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát. Ảnh: Minh Thăng
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, lúa gạo do họ sản xuất ra theo hợp đồng với DN được thu mua bao tiêu với mức giá 5.000 đồng/kg thì họ phải mua lại gạo để ăn với 12.000 đồng/kg. Khi nông dân hỏi lại DN vì sao giá cao hơn thì DN chỉ ra họ phải chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật - hai rào cản khiến cho người gánh thiệt chính là nông dân sản xuất lúa gạo.

Ông Sữa cho rằng, chỉ cần vật tư, thuốc bảo vệ thực vật giảm 2.000 đồng, từ 100.000 đồng xuống 98.000 đồng/bao, DN bán gạo khoảng 11.000 đồng/kg thì người nông dân đã được hưởng lợi rất khác. Ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Cao Đức Phát về nghịch lý này cũng như kiến nghị giảm thuế để DN và người nông dân cùng có lợi.

Nghe đến đây, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty bảo vệ thực vật An Giang cũng rút ruột về những yếu tố đang có nguy cơ làm họ thua ngay trên sân nhà về cạnh tranh sản xuất nông nghiệp. 

Đại diện DN từng thành công với mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn này cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay không còn là tổ chức chuỗi sản xuất nữa. Cách làm trực tiếp với bà con nông dân đã hết vai trò lịch sử và khả năng phát triển không còn cao.

Ông Thòn khẳng định phải sắp xếp lại, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn thì mới mong cạnh tranh được và không gì cụ thể hơn là tổ chức hợp tác xã. Việc này cần sự giúp đỡ của Nhà nước ở mặt pháp lý, chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, hạ tầng, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.

DN này cho rằng, họ chỉ có thể đảm bảo chuỗi sản xuất bền vững nếu sản phẩm được tiêu thụ và tiêu thụ hết, được giá, thì mới có khả năng quay lại hỗ trợ cho nông dân, tức phân phối lại một cách hợp lý và đạo lý.

Ngay trong chính sách thuế, ông cũng như người nông dân nói trên ở An Giang than trời về thuế giá trị gia tăng của đầu vào vật tư nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, trên thị trường gạo trôi nổi ngoài thị trường của những người nông dân trồng lấy công làm lãi không phải chịu thuế như DN đang đe dọa chính họ trên sân nhà.

Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo nội địa như Chính phủ kỳ vọng, ông Thòn cho rằng, DN có thể khẳng định luôn mức sản lượng mà họ có thể sản xuất trong 10-20 năm tới, kể cả từ 2030 sản xuất với mức hơn 500 nghìn tấn gạo cho thị trường nội địa nhưng họ phải được hỗ trợ bởi các chính sách đảm bảo hệ thống phân phối minh bạch, thuế...

Ông khẳng định, DN hoàn toàn có thể đảm bảo đủ gạo, gạo chất lượng ngon, an toàn, thậm chí sẽ làm cả việc kêu gọi, năn nỉ dân ủng hộ gạo Việt, qua đó người nông dân có thu nhập cao nếu như các khó khăn hiện nay được tháo gỡ.

Nông dân Nguyễn Trọng Thành ở Thanh Hóa cho rằng trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp đang chủ động nghiên cứu các loại giống tốt. Song hiện nay không thiếu giống tốt, vấn đề chỉ là có tiếp cận được giống hay không. 

{keywords}
Nông dân kêu thuế vật tư nông nghiệp đang làm nông dân thiệt thòi. 

Ông phản ánh hiện tượng các công ty có giống độc quyền bán giá đắt. Dù rất chia sẻ với DN về sự đầu tư để có loại giống lúa độc quyền đó song ông đề nghị có chính sách để DN phải có hạn mức kéo dài thời gian độc quyền là bao lâu.

Bộ trưởng "cảm giác đặc biệt"

Ngoài đại diện Ngân hàng Nhà nước được mời tiếp sức giải trình thêm về chính sách lãi suất cho vay trong nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình trực tiếp các vấn đề nông dân nêu. 

Bộ trưởng Nông nghiệp nói buổi họp hôm nay cho ông một "cảm giác đặc biệt". Đó là được nghe trực tiếp từ những người nông dân, đối tượng mà ngành "toàn tâm toàn ý" hướng tới.

Với vấn đề thuế giá trị gia tăng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân ở Long An cũng như đại diện DN kiến nghị, ông hứa sẽ ghi nhận và cùng Chính phủ xem xét.

Riêng vấn đề nông dân ở Thanh Hóa nêu, Bộ trưởng khẳng định quản lý thức ăn cho ngành thủy sản không có chỗ cho độc quyền, không có chỗ cho lợi ích nhóm, không ai được làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Ông hứa sẽ xem xét vấn đề người nông dân phản ánh.

Xuân Linh