- Sau sự cố 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận, ĐBQH cho rằng các cán bộ y tế không nên và không được phép hoang mang.
Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ Nguyễn Anh Trí trao đổi bên hành lang QH sáng nay về sự cố chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 7 bệnh nhân tử vong.
Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Anh |
Ông Trí cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, ông được đồng nghiệp ở Hòa Bình gọi điện xin tư vấn về chuyên môn. Theo ông đây là sự cố y khoa hết sức nghiêm trọng.
"Tôi phải khẳng định rằng đây là một nỗi đau, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và rất đáng phải được rút kinh nghiệm", ĐB Trí nói. Ông bày tỏ chia sẻ với nỗi mất mát của người thân bệnh nhân, sự đau đớn của cán bộ y tế BV đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Ông Trí cho biết, để kết luận chính thức cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn vì nếu nói sớm quá có thể không đúng.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra khả năng do bị sốc, có thể liên quan đến nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải là đơn lẻ.
Theo Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam.
"Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong. Nhưng sự cố cả 18 người đều bị ảnh hưởng và tử vong tức khắc 6 người cần phải rút kinh nghiệm", ông Trí nói.
ĐB Trí cho hay, trước mắt cần tập trung cứu chữa những người còn sống. Đồng thời cơ sở cần tạm dừng hoạt động để vừa rút kinh nghiệm, vừa rà soát lại hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, nước, thuốc men và từ đó có bằng chứng rút kinh nghiệm tốt hơn.
Theo ông Trí, sự cố y khoa thường xuyên xảy ra trong lúc hành nghề ở bất cứ quốc gia nào, vấn đề quan trọng là làm sao cho sự cố thấp nhất, ít nghiêm trọng.
"Sự cố là có thật nhưng chúng ta không nên hoang mang, các cán bộ y tế càng không nên và không được phép hoang mang. Bởi nếu vậy sẽ không thể làm việc. Tôi mong dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề đó, hết sức bình tĩnh", ông Trí bày tỏ.
Vị ĐB cũng cho biết, ông đã trao đổi với Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần sớm công bố nguyên nhân bệnh nhân tử vong để rút kinh nghiệm và xử lý.
Sẽ chất vấn Bộ Y tế
ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ủy viên UB Các vấn đề xã hội nhận định không loại trừ khả năng nguyên nhân có thể do nước, vệ sinh ống, hệ thống, các hóa chất kháng khuẩn... có vấn đề.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hoàng Anh |
Theo bà, đây cũng là vấn đề sẽ được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ Y tế.
7 người chạy thận tử vong: Hòa Bình khám nghiệm tử thi
Công an tỉnh Hòa Bình đêm qua khám nghiệm tử thi với 7 trường hợp tử vong, sau đó bàn giao cho gia đình đưa về quê an táng.
7 người chạy thận tử vong, chuyển 10 bệnh nhân về HN trong đêm
23h đêm, 1 bệnh nhân 60 tuổi đã không qua khỏi, nâng số người tử vong khi chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình lên 7 người.
6 người tử vong khi chạy thận: Bệnh nhân buồn nôn, sốc hô hấp
Sau khi chạy thận được khoảng 2 tiếng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh nhân có biểu hiện ngứa ngáy, buồn nôn, có người bị sốc hô hấp tại chỗ.
Hoà Bình: 18 bệnh nhân chạy thận sốc phản vệ, 6 tử vong
Đang chạy thận nhân tạo, 18 bệnh nhân điều trị tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình nghi bị sốc phản vệ, 6 người tử vong.
Hương Quỳnh