- "Sau nhiều năm có thứ hạng thấp về PCI, các cuộc đối thoại với DN đều có sự góp mặt của lãnh đạo cấp tỉnh", Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mai và Công nghiệp VN (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết. 


{keywords}
Ảnh: PCI

Tại hội thảo tham vấn do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam tổ chức sáng nay ở Hà Nội, ông Tuấn kể câu chuyện với tỉnh Tuyên Quang khi nói về tác động, vai trò của PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tuyên Quang năm 2013 đứng thứ 63/63 tỉnh thành, đội sổ trong bảng xếp hạng PCI. Dù chính quyền phản ứng cho rằng, vị trí này không phản ánh đúng nỗ lực của tỉnh, nhưng cộng đồng DN lại bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn bởi PCI đã phản ánh đúng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của tỉnh.

Ông Tuấn cho biết, tỉnh đã tổ chức chương trình mang tên “Cà phê doanh nhân” trong tháng 7. Một điều khá hiếm thấy là có các lãnh đạo cấp cao của tỉnh tới dự. "Trong PCI có chỉ số năng động của chính quyền. Chính nhờ có CPI mà chính quyền nắm bắt được mong muốn cũng như sự đánh giá của cộng đồng, hiệp hội DN. Sau nhiều năm có thứ hạng thấp về PCI, các cuộc đối thoại với DN đều có sự góp mặt của lãnh đạo cấp tỉnh", ông nói.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thành công của PCI 10 năm qua không chỉ giúp nâng cao năng lực điều hành địa phương mà là kinh nghiệm quý với các cấp chính quyền trong hoạch định chính sách. "PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân đối với chất lượng điều hành của các cấp chính quyền địa phương và bộ ngành", ông khẳng định.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, PCI từ một chỉ số không được chính quyền địa phương coi trọng, nay đã được lãnh đạo các cấp sử dụng rộng rãi trong xác định những vấn đề tồn tại và thực hiện chiến lược cải thiện công tác điều hành, thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện hơn.

Bà Denise Rollins - quyền Phó giám đốc toàn cầu USAID phụ trách khu vực châu Á cũng nhất trí với ý kiến này. Bà phát biểu, PCI đã đóng góp đáng kể vào việc hoạch định chính sách phát triển của chính quyền các cấp. Chỉ số này góp phần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, cởi mở, mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế và lực lượng lao động.

Tại hội thảo sáng nay về Vai trò của khu vực tư nhân và tổ chức xã hội trong tăng trưởng hòa nhập của VN, ngoài nhấn mạnh về tầm quan trọng của PCI như một động lực để cải cách, các bên còn nói về việc tăng trưởng bền vững và hòa nhập ở VN; ý nghĩa khung thể chế và pháp luật minh bạch với sự phát triển của khu vực tư nhân; sự cấp bách trong nỗ lực loại bỏ các rào cản kinh doanh và tầm quan trọng của tham vấn chính sách với doanh nghiệp cũng như người dân....

PCI được xây dựng và công bố hàng năm kể từ năm 2005. Đây là kết quả hợp tác giữa VCCI và USAID. Từ thời điểm bắt đầu dự án tới nay, hơn 40 tỉnh đã ban hành kế hoạch chiến lược/hành động để cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên các kết quả khảo sát PCI.

Thái An