- Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết sẽ phục hồi điều tra vụ việc. Trong khi đó, bị can kêu oan có đơn tố cáo mình bị bức cung nhục hình!

Bài 2: Khốn khổ vì thành bị can… treo

"Đó là những ngày tháng kinh khủng nhất"

Trong đơn tố cáo khẩn cấp gửi tới các cơ quan chức năng của Hải Dương, bị can Phạm Văn Tình đã tố cáo đích danh những người đã “bức cung, nhục hình” mình trong thời gian bị tam giam tại công an huyện Nam Sách.

Theo đơn tố cáo, anh Tình cho biết, mặc dù sức khỏe yếu, đang điều trị bệnh thần kinh, thế nhưng, khi bị bắt tạm giam, tại đây anh đã bị cán bộ công an huyện Nam Sách đánh đập, ép nhận tội.

“Đó là những ngày tháng kinh khủng nhất, tôi sẽ không bao giờ quên được” – anh Tình cho biết.

Về nội dung tố cáo này, thông tin với VietNamNet, Viện trưởng VKS huyện Nam Sách Lê Mạnh Hà cho biết: Đã chuyển hồ sơ, tài liệu, đơn tố cáo của anh Tình lên Cục Điều tra (VKSND Tối cao).

Về việc, vì sao CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ việc liên quan đến hành vi của bị can Phạm Văn Tình trong một thời gian dài, lãnh đạo VKS huyện Nam Sách cho hay: Do liên quan đến việc giám định pháp y đối với bệnh lý của anh Tình.

Theo đó, ngày 19/8/2011, VKSND huyện Nam Sách đã có quyết định số 01 về việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và bàn giao hồ sơ cho CQĐT công an huyện Nam Sách để điều tra bổ sung theo yêu cầu của TAND huyện Nam Sách.

VKS huyện Nam Sách cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định tách vụ án hình sự số 02 (ngày 05/4/2011); quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ vụ án, bị can liên quan tới hành vi của bị can Phạm Văn Tình theo quyết định tách vụ án hình sự tách hành vi của bị can Tình điều tra xử lý sau, chờ kết quả giám định.

Ngày 30/10/2013, Biên bản giám định khả năng lao động do Hội đồng giám định Y khoa Trung ương kết luận: Bị can Phạm Văn Tình “rối loạn cảm xúc không ổn định thực tồn F06.6”; mất khả năng lao động 55%.

Giấy xác nhận tiền sử bệnh của BVSK tâm thần Quảng Ninh là “động kinh có rối loạn tâm thần”; năm 2001 có tiền sử xuất huyết màng não.

Ngày 17/9/2015, CQĐT Công an huyện Nam Sách tiếp tục có quyết định trưng cầu giám định pháp y số 62 đối với bị can Phạm Văn Tình.

{keywords}
Anh Phạm Văn Tình.

Trong quyết định trưng cầu giám định, CQĐT trưng cầu với nội dung: xác định tại thời điểm ngày 9/7/2010 khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của Phạm Văn Tình như thế nào? Có mắc bệnh tâm thần không? Nếu có thì mắc loại bệnh gì? Có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi không? Xác định tình trạng thần kinh của Phạm Văn Tình hiện nay, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hiện nay của Tình.

Kết quả giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương ngày 13/10/2015 kết luận: thời điểm phạm tội (9/7/2010) và hiện tại, Phạm Văn Tình có biểu hiện rối loạn cảm xúc không ổn định thực tổn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F06.6. Bị can đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Tiền sử bệnh từ năm 2001 bị tai biến mạch máu não, vỡ mạch do dị dạng từ đó có biểu hiện đau đầu mất ngủ, cảm xúc không ổn định, thất thường.

Sẽ phục hồi điều tra vụ việc

Thông tin với VietNamNet, trưởng công an huyện Nam Sách, Trung tá Đào Đình Đại, cho biết: “Sẽ phục hồi điều tra vụ việc liên quan tới bị can Phạm Văn Tình”.

Trung tá Đại giải thích, vụ việc tạm đình chỉ điều tra kéo dài do chờ kết luận giám định pháp y đối với Phạm Văn Tình.

Ông Đại cũng xác nhận, đã nhận được đơn anh Tình tố cáo đích danh 3 cán bộ công an huyện Nam Sách “bức cung nhục hình".

“Nội dung tố cáo trên chúng tôi đã chuyển lên CQĐT cấp trên. Việc phục hồi điều tra sẽ được tiến hành ngay vì đã có kết luận giám định pháp y”.

Theo ông Đại, đây là một trong 8 vụ án điểm của tỉnh Hải Dương.

“Tiến độ điều tra hàng tuần chúng tôi đều phải báo cáo lên Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh Hải Dương”.

Được biết, hai trong số ba cán bộ công an bị tố cáo bức cung, nhục hình hiện vẫn đang công tác tại Công an huyện Nam Sách.

Thời điểm xảy ra vụ việc, trên sông Kinh Thầy điểm giáp ranh giữa hai huyện Nam Sách - Kinh Môn, tình trạng khai thác cát trái phép bùng phát lên tới đỉnh điểm. Có thời điểm, một ngày có hàng trăm tàu hút cùng hoạt động. Các tranh chấp, mâu thuẫn giữa các chủ tàu, lực lượng bảo kê cho tàu khai thác cát trái phép hoạt động cũng bùng phát phức tạp nhất ở thời điểm này.

Thực trạng trên đã khiến đất bãi ven sông Kinh Thầy bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hành lang an toàn, bảo vệ đê. Đó cũng là lý do khiến UBND huyện Kinh Môn thành lập đội kiểm tra liên ngành để xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, bơm hút cát sỏi trái phép.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Thái Bình