- Chi tiết quan trọng và cũng là căn cứ để bị truy tố tội danh “chỉ đạo, điều hành” lực lượng liên ngành huyện “chiếm đoạt tài sản” của Phạm Văn Tình nằm ở cuộc điện thoại. Nội dung cuộc điện thoại này như thế nào?

Nạn nhân “bị chiếm đoạt” lên tiếng

Sau thời gian xảy ra vụ việc, ông Phạm Ngọc Diệp, chủ tàu HD 0639 có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy đã bán tàu, ở nhà làm nông và chăm sóc đàn cháu nội. Ông Diệp đã có đơn gửi các cơ quan công an, VKS của Hải Dương về nội dung vụ việc vào ngày 25/12/2013.

{keywords}

Anh Phạm Văn Tình chỉ ra hiện trường xảy ra vụ việc bắt giữ tàu khai thác cát trái phép.

Trong đơn, ông Diệp cho biết: khi tàu của ông đang hút cát trái phép thì có xuồng máy chở người của đội liên ngành huyện Kinh Môn cập vào và yêu cầu ông Diệp đưa tàu về bến phà Mây để lập biên bản.

“Chạy về được một đoạn thì phải quay lại vì phà Mây không có chỗ đỗ; chạy đến Ba Kèo và đò Quốc thì hỏng máy. Thấy như thế, mấy anh liên ngành bảo thế này thì anh phải bỏ tiền để chúng tôi thuê tàu kéo tàu anh về lập biên bản. Tôi hỏi bao nhiêu thì anh Cơ gọi cho ai đó rồi nói là hết 5 triệu.

Tôi xin các anh ấy bớt cho 1 triệu vì tuần trước tôi mới bị xử phạt nhưng không được. Khi vừa đưa tiền cho các anh này thì bỗng nhiên có nhiều người ập xuống tàu của tôi hô là công an huyện Nam Sách và bắt còng tay rồi tiến hành lập biên bản, hỏi cung tại tàu của tôi xong đưa lên bờ. Thấy sự việc xảy ra đột ngột nên tôi rất bàng hoàng và đã khai báo theo sự hướng dẫn của các anh công an mà tôi không biết tên.

Đến hôm nay tôi đã có thời gian để nhớ lại chính xác vụ việc. Sau này tôi mới biết các anh liên ngành bị truy tố, lương tâm tôi rất day dứt. Anh Tình tôi chưa gặp mặt và giao tiếp bao giờ. Hôm xảy ra sự việc hoàn toàn không có bất kỳ lời nói hay hành vi cưỡng đoạt nào đối với tôi từ phía các anh Ninh, Cơ… Tôi viết đơn để các cơ quan, ban ngành giải quyết đúng người đúng tội, minh oan và trả lại tự do cho người vô tội”.

Trong 2 bản án đã tuyên đối với Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh, tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng không hề nhắc đến quyền lợi của người “bị cưỡng đoạt tài sản” là ông Diệp – chủ tàu được nhận lại số tiền 5 triệu đồng bị chiếm đoạt!

Anh Phạm Văn Cơ (người trực tiếp xử lý tàu vi phạm của ông Nguyễn Đức Diệp ngày 9/7/2010) trao đổi với VietNamNet: nội dung cuộc điện thoại mà anh Cơ gọi cho anh Tình là để hỏi về mức phí để kéo tàu.

“Tôi được tăng cường đi thực hiện lực lượng liên ngành mới được 2 ngày, cũng chưa gặp gỡ với anh Tình. Nhưng vì biết anh Tình thuộc công ty Đông Hải 27/7 – công ty có hợp đồng với huyện về cung cấp thiết bị, đò và phương tiện cứu hộ, kéo tàu cho đội liên ngành nên tôi gọi hỏi anh Tình để biết mức phí kéo tàu.

{keywords}

Anh Phạm Văn Cơ (bìa phải) – bị can trong vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Thời điểm xảy ra sự việc, tôi thực hiện nhiệm vụ được giao chứ không phải tự ý cá nhân; số tiền 5 triệu là phí kéo tàu nhờ Ninh giữ để sau đó nộp về đội liên ngành rồi nộp vào kho bạc. Chúng tôi không chiếm đoạt một cắc cho mục đích cá nhân, lại càng không thực hiện theo mệnh lệnh thu trái phép để đưa cho anh Tình như kết luận của công an huyện Nam Sách” - anh Phạm Văn Cơ khẳng định.

Dính vòng lao lý vì cú điện thoại oan nghiệt

“Bị can” Phạm Văn Tình - đối tượng đã được tách ra khỏi vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, sau đó là quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án theo kết luận điều tra bổ sung lần 3 (ngày 20/9/2011). Từ đó đến nay, anh Tình sống trong tình cảnh lúc nào cũng lơ lửng vì không được kết luận có tội hay không có tội.

Theo hồ sơ nhân sự tại công ty cổ phần Đông Hải 27/7 (doanh nghiệp do các thương binh, cựu chiến binh thành lập, địa chỉ tại thị trấn Kinh Môn, Hải Dương), nhiệm vụ của anh Tình là trông coi bãi tàu, bãi xe tập kết.

Trước thời điểm xảy ra vụ việc, ngày 10/6/2010, công ty Đông Hải 27/7 ký kết hợp đồng với UBND huyện Kinh Môn về việc cung cấp dịch vụ, phối hợp công tác kiểm tra, phát hiện các hoạt động khai thác, vận chuyển, bơm hút cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn huyện Kinh Môn.

Theo hợp đồng này, công ty Đông Hải 27/7 sẽ cung cấp lao động, phương tiện (đò máy và người chở đò) để phục vụ đoàn liên ngành của huyện Kinh Môn. Anh Tình được phân công thực hiện điều phối người chở đò và đò máy. Phạm Hải Ninh - bị can trong vụ việc đang thụ án, cũng là công nhân của công ty Đông Hải.

Tuy nhiên, một tuần sau đó anh Tình đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nên đã làm đơn xin nghỉ việc để chữa bệnh.

Ngày 24/6/2010, Giám đốc công ty cổ phần Đông Hải 27/7 đã có quyết định đình chỉ công tác đối với anh Tình để anh này chữa bệnh. Ngày 1/7/2010, anh Tình bị hôn mê bất tỉnh, được gia đình đưa đi cấp cứu. Ngày 6/7/2010, anh Tình xin về điều trị ngoại trú.

Khoảng 10h ngày 9/7/2010, khi đang nằm nghỉ ở nhà thì có cuộc điện thoại yêu cầu công ty cổ phần Đông Hải 27/7 cho tàu ra Phà Mây kéo tàu vi phạm về bãi. Anh Tình trả lời đang bị bệnh nằm tại nhà không thể đi làm được.

Tuy nhiên, người này hỏi tiếp nếu kéo tàu từ Phà Mây về bãi Phúc Thành thì chi phí khoảng bao nhiêu. Anh Tình trả lời trong cơn mê sảng: “Khoảng 5 triệu đồng gì đó, cụ thể như thế nào thì anh báo về công ty. Tôi không biết”.

Nội dung cuộc điện thoại chỉ có thế, nhưng đến tối cùng ngày, Công an huyện Nam Sách đã huy động cảnh sát ập vào nhà riêng đập khóa, phá cửa, đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với anh Tình. Kèm với đó là quyết định khởi tố anh về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi bị bắt, anh Tình được đưa về trụ sở Công an huyện Nam Sách giam giữ 12 ngày, sau đó bị chuyển đến nhà tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, rồi nhà tạm giam Bộ Công an.

Ngày 13/12/2010, anh Tình mới được tại ngoại vì bệnh tình mỗi ngày một nặng hơn.

“Tôi không liên quan đến vụ án, tôi không có chức vụ, quyền hạn để tham gia đội liên ngành thì làm sao có thể lạm dụng mà cưỡng đoạt tài sản? Chỉ vì câu trả lời chung chung qua điện thoại về mức chi phí kéo một chiếc tàu vi phạm trong trạng thái không được minh mẫn mà tôi vướng vào vòng lao lý. Đó là nỗi oan mà tôi mong muốn được cơ quan chức năng phân xử công minh” - anh Tình bức xúc.

Thái Bình

(Còn tiếp)