Bao nhiêu đồ quý giá, thậm chí là có cả những giấy tờ bí mật gì đó, người ta tin tưởng Linh, dẫn vô phòng mở két, nhưng hầu như không thể giám sát Linh từ đầu đến cuối được...

TIN BÀI KHÁC


Đang ngồi uống càphê, điện thoại reo, Linh nghe rồi nói: “Vâng, chị chờ một chút, em đến ngay!”. Linh dẫn tôi đi theo, đến một căn nhà khá đẹp trong con hẻm đường Cộng Hoà (TPHCM). Người phụ nữ ra mở cổng nói: “Chị chờ em mãi, lên giúp chị một tí!”. Vác hộp đồ nghề, Linh bước thẳng vào phòng ngủ...

“Hồi sáng chị quên mất, mở ra rồi đóng sập lại luôn, chìa khoá để ở trong nên không mở được”, người phụ nữ nói.

Linh cười bảo: “Chị yên tâm, em xoay một tí là xong”. Mở bộ đồ nghề ra, Linh chậm rãi làm từng động tác… Sau khoảng mười phút, cánh cửa chiếc két sắt bật mở! Lấy chìa khoá ra, “gọt” lại một chút, giao lại cho người phụ nữ, Linh bảo: “Từ mai chị cẩn thận nhé, hôm nay em không lấy tiền đâu!”.

Đó là lần đầu tiên tôi theo Linh đi mở két sắt.

Linh đang mở két sắt giúp khách hàng.

Học nghề

“Anh nhìn em mở thì dễ vậy, chứ học được nghề này không đơn giản đâu anh ạ!”, Linh thành thật nói. Linh chỉ bắt đầu làm quen với nghề này từ năm 2000. Hồi đó, sau một thời gian đi làm da giày, rồi làm nghề nhôm, rồi đi học nhiếp ảnh, Linh vẫn không thấy đam mê. Bỏ hết, Linh muốn đi tìm cho mình một niềm đam mê khác.

Một người anh trong gia đình hỏi Linh: “Giờ em muốn làm gì?” Linh bảo: “Em muốn kiếm tiền!” Người anh bảo: vậy chỉ có đi buôn bán! Linh được gởi lên một tiệm bán két sắt trên đường Trường Chinh.

Hồi đầu, Linh được ông chủ dạy cho cách kinh doanh, bán hàng, cách tiếp xúc, chăm sóc khách hàng… Nhưng, có một chuyện mà Linh không thể nào quên, đó là việc nhớ giá cả, kích cỡ các loại két sắt.

“Hàng trăm cái két sắt của nhiều hãng khác nhau, thế mà ông chủ bắt em phải nhớ hết. Ông chủ bắt em học thuộc, rồi cứ thích lúc nào ổng kiểm tra lúc đó! Mệt lắm anh ạ!” Không dùng thước đo, không dùng tay, nhưng cứ nhìn là phải biết kích cỡ của két sắt đó là bao nhiêu. “Hồi đó, chuyện này với em thật nan giải!”, Linh bảo vậy!

Làm việc ở cửa hàng được ba năm, thấy Linh chăm chỉ, thật thà… ông chủ bắt đầu từng bước truyền nghề mở két sắt cho Linh. Lúc đầu, mỗi lần ông chủ đi mở két sắt ở đâu đều kêu Linh đi theo, chỉ cho nhìn, không cho hỏi. Dần dần, có những két sắt phải đem đến tận cửa hàng để sửa chữa, lúc ấy, ông chủ mới bắt đầu “giảng giải” cho Linh những nguyên tắc của khoá số, khoá cơ, khoá điện tử… và cả những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp…

Vượt qua cám dỗ

“Khi một người nhờ em mở két sắt, tức là họ đã giao toàn bộ tài sản và… bí mật cho mình rồi anh ạ”, Linh tâm sự.

Mỗi lần mở két sắt, Linh chỉ hé cửa két sắt xong, rồi giao lại chìa khoá, hướng dẫn khoá, mở sao cho đúng cách. “Thường thì em không ngó vào trong két, đó là nguyên tắc nghề nghiệp, và cũng để mình không bị cám dỗ”, Linh bảo vậy.

Đôi khi, Linh phải cảnh giác cao độ để bảo vệ tài sản, tiền bạc cho người khác. Có lần, một cậu học sinh gọi điện cho Linh đến mở két sắt. Bước vào nhà, Linh phải quan sát thật kỹ xem bố mẹ “cậu nhóc” đó có nhà không, xem trong nhà có treo hình ảnh của người lớn không.

Cậu học sinh đó bảo: “Ba mẹ em vắng nhà, đang ở xa, cần tiền gấp, lại không để chìa khoá ở nhà. Anh mở giúp em để em lấy tiền gởi cho ba mẹ em. Tiền công em trả anh một triệu”. “Em cho anh số điện thoại của ba hay mẹ em, để anh hỏi đã”. Cậu học sinh đó tiu nghỉu, đành… đuổi Linh ra về!

Có lúc, Linh gặp chuyện cười ra… nước mắt. Số là có hai vợ chồng, mỗi người một két sắt. Nhưng người vợ lại cầm chìa khoá cả hai két. Người chồng muốn lấy tiền mà người vợ không chịu, thế là người chồng lấy keo con voi đổ vào ổ khoá. Đến khi hai người làm lành, báo hại Linh mất cả buổi để mở cái két sắt ấy.

“Đi làm nghề này thấy nhiều chuyện trái khoáy lắm anh ạ. Đôi lúc em còn phải làm trung gian hoà giải nữa…”, Linh nói mà mặt đăm chiêu. Có khi, mở két sắt xong, Linh còn phải ngồi uống trà, đàm đạo với gia chủ cả tiếng đồng hồ mới được về.

Mỗi lần đến nhà nào mở két sắt, Linh đều tự nhủ với lòng mình, không thể để đồng tiền làm mờ mắt. Bao nhiêu đồ quý giá, thậm chí là có cả những giấy tờ bí mật gì đó, người ta tin tưởng Linh, dẫn vô phòng mở két, nhưng hầu như không thể giám sát Linh từ đầu đến cuối được. “Những lúc như thế, em thực sự lo lắng, vì chỉ sợ mình bị cài độ gì đó. Nhưng rất may, từ trước tới giờ em chưa bị sự cố gì!”, Linh vui vẻ nói.

Tuy nghề này chỉ là nghề phụ cho việc buôn bán két sắt, nhưng, mỗi lần nhận được điện thoại nhờ mở két sắt, Linh lại tự nhủ phải làm cho thật tốt, vì sự an toàn tài sản của khách hàng, cũng chính là niềm vui của mình, Linh nói như một triết gia!

(Theo Sài Gòn tiếp thị)