Đám người bên ngoài nhốn nháo bàn ra, tán vào: “Vong nhập rồi đấy. Nhà này may thật, vừa mới đi đã được. Có nhà mấy ngày liền không mời được vong về”. Người đàn ông vẫn cứ điệp khúc: “Hít sâu vào! Thở mạnh ra!”, còn phóng viên tiếp tục cho... vong nhập.


TIN BÀI KHÁC

Tra khảo... vong


Nghe đồn rằng những người bị vong nhập ở nhà “cậu” Hồng sẽ ở tình trạng mất kiểm soát về ý thức, người hay run lên, miệng thường cất tiếng rên ư ử, phóng viên cũng giả vờ làm y như vậy.


Phóng viên (ngồi bên trái) đang đóng giả bị vong nhập và trả lời đệ tử “cậu” Hồng (ngồi bên phải).

Màn kịch này lập tức phát huy hiệu quả khi người đàn ông áp vong nhìn thẳng vào phóng viên và điềm tĩnh phán: “Về rồi! Về rồi! Giờ đồng chí cho tôi hỏi nhé!”. Phóng viên run người lên vì cố nhịn cười, tiếp tục giả đò gật, gật cái đầu ra chiều đồng ý.
“Thế đồng chí tên gì? Ở đâu?” - người đàn ông cất lời.    

“Tao tên Đức, ở Bắc Giang. Tao hy sinh lâu rồi, sao không tìm tao về?” - phóng viên trả lời theo đúng “kịch bản”.

Nhóm bạn của phóng viên cũng khúm núm: “Bác ơi! Chúng cháu là con cháu trong nhà đây. Chúng cháu xin lỗi. Mọi người nhớ bác lắm! Nhất là bà, ngày nào cũng nhắc tên bác. Bà bảo, phải tìm được bác về thì bà mới yên tâm”.

“Đúng rồi! Nịnh đi! Vong hay giận dỗi lắm!” - nhóm người xem áp vong ở nhà “cậu” Hồng xúm vào nói.

Lúc này, người đàn ông lại nói tiếp: “Thôi được rồi, bộ đội không được xưng tao. Giờ tôi hỏi, đồng chí trả lời nhé!”.

- Đồng chí hy sinh năm bao nhiêu?
- 72.
- Ở đâu?
- Quảng Bình.
- Chỗ nào Quảng Bình?
- Lệ Thủy.
- Xã nào của Lệ Thủy?
  ...
“Bây giờ, tôi lấy bản đồ ra chỉ cho đồng chí, rồi đồng chí xác nhận chỗ đồng chí đang nằm. Nhưng nói trước là bây giờ chỉ còn đất thôi chứ không còn xương cốt gì đâu nhé!” - người đàn ông kết lại sau một hồi đối đáp với “vong”.

Nói đoạn, người này đưa ra một tấm bản đồ chi tiết về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau đó, ông ta tuần tự đọc một loạt tên các xã thuộc huyện này. Khi người này hỏi: “Xã Phú Hải phải không?”, phóng viên gật đầu lia lịa. Người đàn ông liền chộp lấy: “Đồng chí ở xã Phú Hải hả? Được rồi! Thế lấy UBND xã Phú Hải làm trung tâm, đồng chí cho biết mình nằm cách xa trung tâm khoảng bao xa?”.

- Gần 2 km.
- Gần 2 km hả? Thế thì khoảng 1,8 km nhé! Thế đồng chí nằm ở độ sâu bao nhiêu?
- 2m.
- Được rồi! Đồng chí cho biết hôm nào thì người nhà có thể vào đón đồng chí về?
...

Câu chuyện “triệu vong, gọi hồn” cứ thế tiếp diễn. Cho đến khi hỏi hết thông tin, người đàn ông này liền đứng dậy. Thấy vậy, phóng viên tiếp tục “diễn” một hồi, giả vờ run lên rồi nằm vật ra chiếu. Mọi người bên ngoài xúm lại nói: “Vong ra rồi. Mệt lắm đấy! Đưa vào nhà nằm nghỉ đi!”.
 
“Hợp đồng” tìm mộ

Sau một hồi nghỉ ngơi, nhóm “diễn viên không chuyên” chúng tôi cử người ra gặp người đàn ông vừa gọi hồn, triệu vong. Người này tự xưng tên Tuấn, là một đệ tử ruột của “cậu” Hồng. Tuấn là một người đàn ông gần 40 tuổi, dáng người đậm. Tuấn cho phóng viên số điện thoại để liên lạc, đồng thời dặn phóng viên: Trước khi đi tìm, cần phải xuống Hà Nam một lần nữa để áp vong, “cậu” sẽ trực tiếp làm!

Những ngày tiếp theo, phóng viên và Tuấn liên tục có những trao đổi qua điện thoại với nội dung bàn việc tìm mộ. Theo đó, sau khi đã định được ngày, phóng viên và những người bạn sẽ đến nhà “cậu” Hồng để áp vong một lần nữa. Sau khi có được thông tin chính xác, đoàn tìm mộ sẽ khởi hành.

Trong một lần trao đổi với phóng viên, Tuấn gợi ý sẽ cho thuê xe ôtô chở đoàn vào Quảng Bình với giá 7 triệu đồng. Người nhà của vong sẽ phải chi tiền đi lại, thuê phương tiện, tiền lễ. Còn về khoản tiền bồi dưỡng cho “cậu” Hồng và các đệ tử, Tuấn phán một câu: “Tùy tâm, cám ơn bao nhiêu cũng được!”.

Hoài nghi những nấm mồ

Trong quá trình “giao dịch” với Tuấn, phóng viên cũng có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình cất công đi tìm mộ. Ông Toàn, một người dân ở Gia Lộc, Hải Dương, đang công tác tại một đơn vị quân đội tại Hà Nội cho biết: “Nhà tôi nhiều lần qua nhà “cậu” Hồng tìm mộ. Ngoài chi phí thuê xe khoảng chục triệu mỗi lần ra thì còn nhiều thứ chi phí khác như lễ lạt, cám ơn. Tiền cảm ơn nói là tùy tâm nhưng ai dám trả ít. Nó cũng phải rơi vào mức tiền triệu mỗi tháng. Tôi có một điều trăn trở là cả hai nấm mộ mà nhà tôi nhờ “cậu” Hồng tìm về chỉ là những nấm đất, khó xác định rõ thực hư”.

Tiếp tục lần tìm những địa chỉ khác từng nhờ “cậu” Hồng tìm mộ, phóng viên đến xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Đây là một trong những nơi có phong trào tìm mộ rầm rộ trong vài năm qua với niềm tin được các gia chủ đặt vào “cậu” Hồng rất cao. Theo cô Phan Thị Thủy (ở xóm 6, xã Nguyên Xá), xã này nếu tính sơ sơ cũng có vài chục người nhờ “cậu” Hồng tìm mộ.

Tuy nhiên, hầu hết những ngôi mộ tìm được chỉ là nấm cát, đất. Cũng có nhà được chỉ tới một ngôi mộ, nhưng đó lại là mộ vô danh. Cá biệt có trường hợp nhà bà M ở xóm 2 được chỉ tới một ngôi mộ trong nghĩa trang nhưng khi chuẩn bị khai quật thì có người khác ra chứng minh rằng đó là mộ nhà người ta nên đành bỏ cuộc. Trao đổi với phóng viên, các hộ gia đình nêu trên xác nhận lời cô Thủy nói.

Quay trở lại với trường hợp đi tìm mộ “liệt sỹ” của phóng viên, khi Tuấn giục chúng tôi xúc tiến nhanh quá trình đi tìm “mộ”, phóng viên đã tìm cớ thoái thác bởi trên thực tế, làm gì có vong hồn ấy và ngôi mộ ấy! Không có vong, vẫn triệu được vong. Không có hồn, vẫn gọi hồn về được. “Tiềm năng con người” của địa chỉ “cậu” Hồng thật khiến người ta kinh hãi đến... tức cười. Và với khả năng ngoại cảm “bịp” ấy, không biết đã có bao nhiêu con người cả tin trót tôn những ngôi mộ vô danh, bao nhiêu những nắm đất vô tri, vô giác đã được tôn lên là hài cốt người dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc?

Còn nữa…

(Theo Pháp luật Việt Nam)